Tuesday, May 6, 2014

ĐƯỜNG THÀNH CÔNG – LORD BADEN-POWELL – Hiểm trở thứ I

ĐƯỜNG THÀNH CÔNG – LORD BADEN-POWELL – 1922
BP

Lời Tựa
Đây là đại cương về nội dung của quyển sách nói về cách quan niệm “thành công”.
Làm thế nào cho được vui sướng bất luận giàu hay nghèo.
Một cuộc chèo thuyền là hình ảnh hành trình của đời người.
Một lão tráng-sinh phải chỉ vẽ cho anh cách chèo chống.
Chỉ có một thứ thành công đích thật đó là hạnh phúc.
Hai giai đoạn tiến tới Hạnh Phúc là: Xem đời như một trò chơi và mở rộng tình thương.
Người Miến Điện (bây giờ là Myanmar) là một thí dụ về dân tộc sung sướng:
Hạnh phúc không phải là một thú vui tầm thường, cũng không phải do của cải tạo nên.
Đó là thành quả của một công việc tích cực chứ không phải là tiêu cực hưởng thụ một lạc thú.
Sự thành công của anh tùy thuộc vào sự cố gắng bản thân trên đường đời.
Và trong cách xa lánh những nơi nguy hiểm.
Cần phải tiếp tục tu luyện bản thân để bổ túc những điều học tập ở trường.
Hãy tiến lên với lòng tự tin.
Hãy tự lái lấy chiếc thuyền của anh.

LÀM THẾ NÀO CHO ĐƯỢC VUI SƯỚNG BẤT LUẬN GIÀU HAY NGHÈO
ĐƯỜNG ĐỜI
Một lần tôi gặp bão thình lình trong khi đang chèo một chiếc thuyền bằng vỏ cây phong trên mặt hồ, ở miền Bắc Gia Nã Đại. Thật là một bài học kinh nghiệm khá hồi hộp nhưng cũng rất đáng giá.
Xuồng đã đi qua nào sông cái và suối nguồn có lúc lướt trên dòng nước phẳng lặng có khi vượt qua thác ghềnh hiểm trở nhưng vẫn luôn luôn ở trong một cảnh trí huy hoàng, chuyển biến của núi rừng…
Chúng tôi có một cảm giác mới lạ, khi vừa ra khỏi con sông, xuồng lênh-đênh trên mặt hồ rộng lớn. Lúc đầu nắng tốt rồi thình lình bầu trời u ám báo hiệu một cơn dông bão sắp đến. Chiếc thuyền nhỏ bé mỏng manh kia, từ nước đến giở chỉ là một phương tiện vận tải trên sông, trở nên vật cứu mệnh duy nhất của chúng tôi. Nếu để nước tràn vào và đụng một tảng đá (thứ này chả hiếm gì chung quanh chúng tôi) thì rồi đời.
Chiếc giầm bơi, nguyên là dụng cụ để chèo, là phương tiện độc nhất để tránh sự tấn công của những đợt sóng và để tiến tới. Tất cả vận mệnh của chúng tôi đều tùy thuộc vào cách sử dụng chiếc giầm độc nhất ấy.
Trong quyển sách kỳ thú nhan đề là “Rừng”, Stewart E.White chỉ cho bạn cách xoay xở như thế nào cho đúng cách.
“Trong bốn giờ vượt qua một cái vịnh trống trải, anh gặp hàng nghìn đợt sóng, không đợt nào giống đợt nào, mà đợt nào cũng có thể tràn vào thuyền, nếu anh đối phó không đúng cách.”
Khi đợt sóng đến từ đằng mũi, phải chèo phía ngược gió. Khi xuồng lướt trên ngọn sóng, để cho đầu đợt sóng đội đằng mũi lên một tí nhưng lúc chiếc xuồng sa vào chỗ trũng, cạy mạnh để lấy hướng.
Làm như thế, để cho chiếc thuyền nghiêng về một bên, rồi anh nghiêng phía kia để giữ thăng bằng. Còn lúc đến chỗ trũng, anh chèo vài ba cái để đi tới. Hai cách vận động trên lưng đợt sóng như vậy, phải làm rất cẩn thận lở một chút nước sẽ tràn vào xuồng.
Khi đợt sóng ở về một bên, phải chèo thẳng tới. Lấy thân mình để giữ thăng bằng. Khi đụng nhằm đợt sóng bên hông, anh nghiêng mình về một bên cho thuyền khỏi lật.
Lúc nguy hiểm nhất là khi đầu đợt sóng lướt qua dưới chiếc thuyền anh. Trong trường hợp sóng to quá, đâm ngang mái giầm vào nước cho thuyền khỏi lật và cúi sát xuống để cho mạn thuyền và nửa sống thuyền chấm dưới nước. Rồi đứng ngay dậy lập tức. Chậm một giây đồng hồ là nhào xuống nước.
Công việc thật là gian khó!
Tác giả cũng tiếp tục chỉ vẽ, đầy đủ chi-tiết nên làm thế nào khi đợt sóng đập thẳng, đập vào một góc hay vào đằng lái chiếc thuyền. Mỗi lần như thế, tất cả vận mệnh của anh đều tùy thuộc vào sự chú ý bền bỉ, lòng can đảm, sức hoạt động tích cực của anh.
Lơi lỏng một chút là thuyền chìm, nhưng cuộc chống chỏi có chỗ đền bù, “Chắc không còn gì hơn để làm cho toàn thân, toàn trí, toàn năng lực của anh phải thức tỉnh. Anh thấy vui sướng trong lòng.
Tất cả những bắp thịt căng thẳng của anh chực sẵn để hành động đúng mức, khi có dấu hiệu. Anh nghe thấy rung động trong người tất cả một sức mạnh tiềm tàng, Trí anh bỏ qua bài toán đã giải quyết với đợt sóng vừa rồi và đang suy tính đối phó quyết liệt với đợt sóng sắp đến… Anh cảm thấy say sưa. Anh nhân cách hóa các đợt sóng. Anh chụp bắt nó như một kẻ thù địch; khi nó bị tan rã; rít lên rồi lòn qua dưới gió, anh mừng quýnh la lên: “Đi đi, đồ khốn nạn. À mi tưởng, mi tưởng đâu có thể… phải không? Hê!” Rồi trong tiếng gầm thét và trong sự lôi cuốn của sóng gió, anh khom lưng như một võ sĩ thủ thế để đở những quả đấm, anh chờ cho đối phương sơ hở một tí để lướt tới một vài mái chèo. Vì quá bận rộn với việc chế ngự các đợt sóng đến nỗi anh không biết đã đi tới với tốc độ nào. Dần dần tới gần đích mà anh không ngờ, cho đến khi chỉ còn vài trăm thước nữa. Lúc này đừng lơ là mà không cố gắng: Những đợt sóng gặp trong đoạn trăm thước cuối cùng cũng nguy hiểm chẳng kém gì những đợt sóng cách bờ sáu cây số, mà anh đã tránh được”.
Vâng, cuộc đời hoạt động cũng giống như thế.
MỤC ĐÍCH SÁCH NÀY
Tất cả những cái ấy: nào dạo chơi trên dòng nước phẳng lặng lúc đầu nào vào đến hồ rộng, nào những gian khổ đầu tiên, nào những tảng đá và những đợt sóng liên tiếp sau này mà chỉ có tay lái lành nghề mới tránh được, sự vui mừng khi cơn nguy hiểm đã qua, sự đắc thắng khi vào đến bến kín đáo, cuộc lửa trại vui vầy và tối lại…giấc ngủ của những người lữ hành kiệt sức đó là những việc mà một người gặp trong đời; nhưng lắm lúc họ bị chìm đắm vì khó khăn và vì phong ba lôi cuốn, nhất là họ chưa lịch duyệt: Họ không ngờ đến và không biết đối phó như thế nào.
Tôi đã kể đôi điều chỉ bảo thiết thực của Stewart White, hồi ký sống động những cuộc dạo chơi trên mặt bể của ông ta. Trong những trang sau đây, tôi cũng muốn cống hiến cho anh những lời khuyên bảo như thế, về cách lái thuyền rút ở kinh nghiệm bản thân của tôi, đối với các thứ tảng đá và các loại sóng mà anh có thể gặp khi chèo chống qua ghềnh thác của đường đời.
Trong số các loại đá nổi và đá ngầm ấy có những thứ mà anh thường thấy trong các cuộc truy hoan ngày trước: “Ngựa – rượu và đàn bà”. Thêm vào bọn ngốc nghếch và bọn đạo đức giả… Trong đời anh chắc chắn sẽ gặp đa số những thứ ấy. Trong các chương sau đây, tôi có ý chỉ cho anh thấy rằng giữa các chướng ngại ấy, có những chỗ tốt và những chỗ nguy hiểm, nhờ Đường, chẳng những anh có thể tránh được, mà còn thu những thắng lợi và tiến tới Thành Công.

LỜI KHUYÊN TRAO LẠI
Tôi lấy làm lạ khi một người từ trần mang theo tất cả kinh nghiệm mà họ đã thu lượm được ở đời lúc còn ngông cuồng trong tuổi trẻ hoặc lúc họ đã thành công và để cho con em họ mất công tìm tòi lại kinh nghiệm ấy. Tại sao họ không trao lại cho chúng số kiến thức ấy? Lương tri và giá trị của chúng nhờ thế sẽ lập tức tăng tiến gấp bội. Vì ý nghĩ đó thúc đẩy tôi thuật lại một vài trong số những trở ngại đã gặp trong đời và nói nên làm cách nào để vượt những trợ lực ấy. Tôi không nói “cách tôi đã thắng” vì đôi khi tôi đã lầm lở nhưng nhờ thế mà về sau tôi biết phải làm thế nào cho đúng.
Như thế quyển sách này không phải để hiến cho những người lịch duyệt: Xin họ đừng sờ tới. Anh em thanh niên, tôi viết cho các anh là những người nhìn về tương lai, lo âu chưa biết đi về đâu và sẽ làm gì trong đời mình. Và tôi tưởng rằng – tôi thú thật – các anh con người của thế-hệ mới, về quan điểm ấy, các anh được may mắn nhiều hơn những người lớp trước. Anh không làm những con ngỗng con (kẻ đần độn) mà B.B Valentine mô tả trong khúc ca “Thầy già”:
“Có những kẻ giống hệt như các ngỗng con”.
Họ cứ theo gót chân những người đi trước mà không biết đi đâu:
“Họ theo dấu chân ngỗng hễ cha đi đâu là con đi đó”
“Và họ không bao giờ làm gì khác hơn cha?”
Tôi đề nghị lấy “Đường Thành Công” làm nhan đề cho sách này. Chương cuối cùng sẽ nói rõ thêm vì lý do gì.
Tôi quan niệm Đường Đời không phải là một cuộc hành trình phiêu lưu và vô ích, mà là một cách tìm tòi cho mình một lối đi với mục đích nhất định-qua bao nẻo tươi đẹp. Vẫn biết rằng ở dọc đường có thể gặp nhiều khó khăn và lầm lạc. Anh nên sẵn sàng chờ đón một số lớn các trở ngại ấy.
Về phần tôi, đã nếm qua những lúc rất chua cay ở đời nhưng cũng đã từng trải những hồi sung sướng ở nhiều nơi trên thế giới, như thế anh tin chắc rằng những ý kiến tôi trình bày ra đây không phải chỉ là lý thuyết suông.
Đời sẽ thành vô vị nếu toàn là đường mật: Muối mặn chát nếu ta nhấm một mình nó, nhưng khi nêm vào đồ ăn đó là một thứ gia vị ngon lành. Khó khăn trở ngại đều là những hạt muối trong đời.
Thân mẫu của Goethe cho ta một nguyên tắc quý báu ở đời, khi bà nói: “Tôi không tìm tòi việc gai góc và tôi nắm lấy những niềm vui thú đơn giản. Nếu cái cửa thấp tôi cúi xuống. Nếu tôi có thể lấy viên đá giữa đường ném đi, tôi làm ngay. Nếu viên đá quá nặng, tôi đi vòng quanh “.
Nói một cách khác. Bà chủ tâm tìm tòi những trở ngại, khó khăn mà tùy cơ ứng biến và nắm lấy phần hơn.
Và đó là phương pháp thành công.
THÀNH CÔNG ĐÍCH THẬT ĐÓ LÀ HẠNH PHÚC
Thành công là gì?
Trèo lên nấc thang cao nhất chăng ?
Của cải ? Địa vị ? Quyền thế ?
Không phải vậy đâu!
Những ý tưởng ấy và vài ý tưởng khác có thể tự nhiên nảy nở trong trí anh, vì thông thường người ta cho thế là thành công, và thường thường thành công có nghĩa là trội hơn người và tỏ rằng mình hơn họ trong lãnh vực này hay lãnh vực khác. Nói cách khác: Thành công là làm lợi cho mình, mặc dầu hại cho kẻ khác.
Tôi không quan niệm thành công như thế.
Tôi tưởng rằng chúng ta sinh ra trong thế giới kỳ quan, mỹ lệ này với một thiên bẩm đặc biệt để hưởng thụ, đôi khi để hưởng thú vui tô điểm thêm cho thế giới kỳ ảo ấy và cũng để giúp đở kẻ khác chứ không phải để lấn át họ và do đó, để vui sống. Sung sướng là thế đó.
Tôi cho rằng thành công là thế đó, tức là được sung sướng.
Những hạnh phúc không phải chỉ là việc thu hưởng: Nghĩa là nếu người ta chỉ ngồi chờ thì hạnh phúc đâu có đến mà chỉ là một thứ gì thấp kém: Sự khoái lạc.
Nhưng chúng ta có tay chân, trí óc tham vọng để làm cho chúng ta trở nên hoạt động và để đạt hạnh phúc thật sự, cần phải tích cực hơn là tiêu cực.
HAI CHÌA KHÓA CỦA HẠNH PHÚC
Sự hưởng thụ của cải có giới hạn. Người giàu có thể có hai ba tòa nhà và trong mỗi tòa có hàng chục phòng: Nhưng người ấy chỉ ở một phòng vì chỉ có một thân thể mà thôi.
Về phương diện này, người ấy không hơn chi một kẻ nghèo. Người giàu có thể thưởng ngoạn cảnh mặt trời lặn, ngắm nghía những tia sáng hay một cảnh đẹp, nhưng kẻ nghèo cũng làm được như vậy. Nếu kẻ nghèo có đủ lương tri để thực hành hai điều này trong đời họ, họ cũng có thể hưởng thụ đầy đủ như một nhà triệu phú có lẽ còn hơn nữa là đàng khác.
Điều thứ nhất:
Đừng xem sự vật một cách quá nghiêm trọng, nhưng biết lợi dụng cơ hội, coi đời như một trò chơi và thế-gian như một sân chơi lớn. Nhưng như Shackleton đã nói: – “Trong các thứ trò chơi? đời là trò chơi lớn nhất; điều nguy hiểm là coi nó như một trò chơi tầm thường. Đích chính là thắng cuộc một cách vẻ vang và dũng cảm”.
Điều thứ hai.
Làm sao cho Tình Thương hướng dẫn hành động và tư tưởng của anh. Tôi viết Tình Thương bằng chữ hoa là vì không phải thứ tình yêu đương…v.v- Tôi muốn nói là làm thế nào để chứng tỏ tình nhân đạo khi anh giúp đở người đồng loại vì thiện cảm, và khi anh cảm tạ lòng tử tế của họ đối với anh Đó là Thiện Chí. Và Thiện chí là ý muốn cao cả.
MỘT DÂN TỘC SUNG SƯỚNG
Đứng về phương diện quốc gia dân tộc sung sướng hơn hết mà tôi biết là người Miến Điện (bây giờ gọi là Myanmar – ND): Sự vui vẻ, tinh thần phấn khởi của họ đã được truyền tụng. Một nhược điểm của họ là lòng nhân đức đối với thú vật: một người Miến không bao giờ giết một con vật, dù để làm cho nó bớt đau đớn. Họ không ăn thịt và thường thường họ đối đãi với thú vật như những đứa con cưng. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, ai ai cung vui cười ca hát, để thưởng thức vẻ đẹp của xứ sở, của bông hoa, của vừng ô, của rừng núi. Họ khinh miệt tiền bạc đến nỗi có kẻ cho họ là lười giếng. Họ bằng lòng với một số tiền bạc và hoa lợi đủ để sống đơn giản và an phận. Nhưng không phải họ hoàn toàn thụ động: mọi thanh niên phải qua một kỳ huấn luyện tu sĩ. Dù giàu có đến đâu, trong thời gian đó, họ cũng tự nguyện sống cảnh nghèo không có một xu. Họ trải qua cuộc sống khắc khổ trong tu viện, để tụng kinh, suy tưởng và giảng dạy giáo lý cho trẻ con. Như thế họ học cách giúp ích tốt hơn hết. Đến khi trở lại với trần tục thanh niên ấy đã trở thành một người biết giúp ích cho kẻ khác, và có những phong thái giản dị làm cho họ trở thành người công dân tốt.
Tình cảm tốt của họ thể hiện rõ ở dọc đường: Thỉnh thoảng họ đặt trước hiên nhà những bình nước: người đi đường đến đó giải khát, ai có phương tiện, thì sắm những ghế ngồi để đón chở khách bộ hành.
Trong quyển sách nói về người Miến Điện nhan đề: Linh hồn của dân tộc Fielding Hall có nói: “Riêng về cá nhân họ có thể thành công hay thất bại trong lãnh vực nào đó nhưng về phương diện Quốc Gia, Miến Điện sẽ luôn luôn là một nước lớn nhất hoàn cầu, vì họ sung sướng nhất”.

HẠNH PHÚC
Hạnh phúc vừa tầm của mọi người, giàu hay nghèo, song ít người được sung sướng.
Theo ý tôi nguyên nhân là bởi phần đông chưa nhận định rõ hạnh phúc dù khi chỉ đưa tay ra là đón được.
Anh có khi nào đọc quyển “Chim Xanh” của Maeterlinck chưa? Đó là câu chuyện của một em bé gái Myltyl và đứa em trai Tyltyl, cùng nhau đi tìm ” Con Chim Xanh của hạnh phúc”. Chúng đi khắp xứ, tìm mãi mà không thấy. Rút cuộc chúng nhận thấy rằng không cần phiêu lưu nữa. Con Chim Xanh của Hạnh Phúc ở trong nhà chúng, nơi mà chúng thường làm điều tốt cho kẻ khác.
Nếu anh suy nghĩ ý nghĩa thâm thúy của câu chuyện và đem ra thực hành, anh sẽ thấy hạnh phúc ở kế sát bên anh, khi mà anh tưởng rằng nó ở tận cung trăng.
Nhiều người coi công việc làm của họ như một khổ dịch, và ngay cả sự đi lại hàng ngày của họ, họ cũng cho là một cuộc đày ải. Họ nóng lòng chờ đợi những ngày nghỉ, vì theo họ chỉ có những lúc ấy mới có cơ hội sung sướng. Lắm lúc khi đến ngày nghỉ, trời mưa, trời lạnh, hoặc bị cảm rồi cuộc du ngoạn ao ước từ lâu bị lở dịp.
Sự thật là thế này: hoãn hạnh phúc lại ngày sau là bất lợi, người khôn tự tạo cho mình cảnh Thiên đàng ở nơi hạ giới nầy. Địa đàng hiện tại huy hoàng bao nhiêu thì thiên đàng đời sau sẽ rực rở bấy nhiêu. Đến phút cuối cùng. Thiên đàng sẵn sàng mở cửa đón mình để hưởng nhiều phúc lạc.
KHOÁI LẠC KHÔNG PHẢI LÀ HẠNH PHÚC
Một số người tưởng rằng “Khoái lạc” và “Hạnh phúc” là một họ lầm.
Thường thường khoái lạc chỉ là một cuộc tiêu khiển. Anh có thể cảm thấy khoái lạc khi dự một cuộc đấu bóng tròn hay một buổi diễn kịch, hoặc đọc một truyện hay, hoặc chỉ trích người hàng xóm hoặc ăn ngon uống say. Nhưng hiệu quả chỉ thoáng qua trong chốc lát. Rồi lắm khi sự phản ứng lại còn khó chịu hơn: sáng hôm sau bị nhức đầu.
Hạnh phúc không phải như thế: Hạnh phúc ở kề bên và thấm nhuần đời sống anh. Anh nghĩ đến Trời một cách mơ hồ, anh tưởng Trời là một cái gì viễn vông, như thế chưa đủ. Trời! Ở chốn hạ giới này, anh có thể có Trời được. Trời ở trong lòng anh và trong tất cả sự vật chung quanh anh.
Arnold Bennett định nghĩa hạnh phúc như thế này? “Sự toại ý sau một cố gắng thực sự và hết sức” .
Nhưng hạnh phúc còn hơn thế nữa. Vả lại tác giả cũng công nhận điều ấy khi ông ta nói rằng “một cuộc hôn nhân dù sao cũng hơn không có hôn nhân. Bên cạnh một người vợ biết yêu đương và một đàn con hăng hái, đầy tin tưởng, ta cảm thấy nhiều hạnh phúc”.
ông Ernest Cassel, người đã quá cố, mà mọi người cho là đã thành công trong đời, rốt cuộc phải thú nhận sự thất bại của ông. Ông đã tạo được của cải, quyền thế, địa vị và trong lãnh vực thương mại, kỹ nghệ và thể thao, ông thành công một cách đặc biệt. Nhưng vào lúc cuối đời ông thú nhận rằng còn thiếu một yếu tố quan trọng: Hạnh Phúc. Theo lời ông, ông là một kẻ “cô độc”.
Ông nói: “Nhiều người quá tin tưởng vào thuyết của cãi đem lại hạnh phúc. Tôi có của cải đầy dẫy, có lẽ tôi đủ tư cách đề nói rằng không phải thế. Những điều cần có hơn hết lại không phải lấy tiền bạc mà mua được”.
Dù sao, lời nói ấy cũng an ủi khuyến khích được phần nào với những kẻ nghèo.
“Kẻ được sung sướng là kẻ giầu, nhưng chưa chắc kẻ giàu hẳn được sung sướng” Câu tục ngữ Srilanca đó cũng có ý nghĩa như vậy.
TỘI NGHIỆP CHO KẺ GIẦU
Một lần tôi và nhà tôi đi du lãm đến biên cảnh sa mạc Sahara, nơi mà đột nhiên người ta đi vào miền vắng vẻ, khô cằn đá sỏi của núi Aurès, hai con la mang vật dụng cắm trại của chúng tôi và hai người Ả Rập có khí giới hướng dẫn và bảo vệ chúng tôi.
Lúc chúng tôi đi ngang qua con đường do người Pháp làm, dẫn đến Biskara, một thành phố giữa sa mạc, chúng tôi thấy không phải là những đàn lạc đà dài dòng uốn khúc như hàng ngày, mà là những xe hơi lao mình trên sa mạc.
Du khách ngồi trên xe, mắt đeo kính, mặt che lưới vải xe chạy hết tốc lực để đưa họ đến khách sạn Biskara, họ chả hiểu tí gì về cái thú du lãng, tự tìm cho mình thực phẩm (như nhận ra được những chỗ nứt nhỏ dưới đất đang ấp ủ những nấm cục), nấu nướng ngoài trời và tối đến nằm ngủ dưới màn sao.
Thấy hồ, chúng tôi đồng thanh la lên: “Đáng tội nghiệp cho các nhà triệu phú!”.
Phải, các ông có của nhưng các ông lại thiếu những chuyện tiêu khiển lý thú.
LÀM VIỆC VÀ SỰ HOẠT ĐỘNG ĐƯA ĐẾN HẠNH PHÚC…
Mặc dù trong gia đình có hạnh phúc, cũng chưa có thể hoàn toàn toại nguyện được, vì hạnh phúc gia đình chỉ ảnh hưởng đến bản thân, dễ trở thành ích kỷ. Và ích kỷ sinh ra bất mãn.
Chân Hạnh phúc giống như chất radium. Đó là hình thức của Tình Thương, càng trao cho người ta bao nhiêu, thì càng đầy thêm bấy nhiêu, vì thế hạnh phúc là vừa tầm của mỗi người, dù kẻ rất nghèo cũng vậy.
Giáo-sĩ Mitchell đã viết: “Đừng cầu xin Thượng đế cho anh sung sướng, hãy cầu xin Thượng đế cho anh biết giúp ích theo lẽ phải, tôi tin chắc rằng sau rồi hạnh phúc sẽ tự nó đến với anh”.
Theo ý tôi, hạnh phúc có phần nào tiêu cực nhưng hầu hết là tích cực.
Tiêu cực, bởi vì thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh rực rở lúc hoàng hôn, cảnh hùng vĩ của núi non, sự kỳ diệu của sinh vật, hương vị của lửa trại, bao nhiêu điều đó kết hợp với sự vui vẻ của hạnh phúc gia đình làm nảy nở lòng biết ơn đối với Thượng đế. Lòng biết ơn này chỉ được thỏa mãn khi đem thi hành một cách tích cực, cách thi hành tích cực đó là cố gắng giúp ích kẻ khác.
Điều đáng kể là tích cực làm việc phải.
Một gia đình vui vẻ kết hợp với khả năng giúp ích cho kẻ khác là nguồn gốc tốt hơn hết của hạnh phúc.
Một hôm, một thiếu niên bị giải ra tòa, người ta cho đó là đứa bất trị. Nó tự bào chữa bằng cách đổ lỗi cho Thượng đế: “Nếu thượng đế không muốn tôi hung ác thì Thượng đế đã cứu tôi và làm cho tôi tốt”.
Chuyện này làm cho tôi nhớ lại một tù trưởng Boers bị quân lính của chúng tôi bắt làm tù binh, oán trách chua cay Thủ Tướng Kruger không giao cho y nhiều súng lớn.
Khi y yêu cầu điều đó, thủ tướng trả lời: “Nếu thượng đế muốn ta thắng trận, dù có súng lớn hay không, ta cũng thắng”.
Y đáp “Phải lắm! Thượng đế đã cho ông một cái dạ dày để thưởng thức một con ngỗng quay, nhưng chắc rằng ông phải tự tay nhổ lông và nấu nướng lấy”.
Còn gì đúng hơn, thượng đế đã cho anh, trong cõi đời này đủ mọi thứ để làm đời thêm tốt đẹp, nhưng chỉ tùy nơi anh để hưởng thụ rất nhiều, hay là để bỏ hẳn tất cả. Chúng ta sống không bao lâu, vậy cần phải hoàn thành ngay những điều đáng giá. Anh không nên bằng lòng với một đời sống và những ý tưởng chỉ giới hạn trong vôi gạch việc doanh nghiệp, việc chính trị, việc lý tài và bao nhiêu việc phù vân khác, do người đời bày đặt ra và không đáng kể.
Nhưng hãy nhìn chung quanh anh, tìm hiểu cho rõ ràng những kỳ diệu của Tạo Hóa: nhìn tất cả những gì anh có thể xem ở đời, xem phần tốt đẹp và các lợi ích mà thượng đế để dành cho anh trong đó. Tức là anh sẽ nhận định cái gì có thể giúp anh sống hạnh phúc và cái gì không cần thiết.
Về phần tôi, đã từ lâu, tôi tự nhủ: “Trong ba năm nữa, tôi sẽ chết. Vậy tôi sẽ xây dựng một cái gì, hoàn thành nó đi kẻo rồi quá trễ”.
Tập quán ấy khiến tôi làm việc hăng hái và làm xong xuôi những việc có thể để đến bữa sau. Tập quán ấy cũng khiến tôi (và tôi cũng rất lấy làm sung sướng) viếng thăm được nhiều xứ trên thế giới, không chớ đợi phút trọng đại của “cơ may”.
Một hôm tôi mơ mộng khi đang tỉnh thức. Tôi thấy khi lìa đời đứng trước cửa thiên đàng, Thánh Phêrô hỏi tôi: “Này anh có cảm tưởng thế nào đối với Nhật Bản?”
- Nước Nhật Bản à? Nhưng tôi sinh trưởng ở Anh quốc kia mà.
- “Nhưng anh đã dùng tất cả thì giờ để làm gì trong thế giới đẹp đẽ này với những cảnh kỳ diệu và cảm kích say đắm, tạo nên để làm cho anh được tốt hơn? Có phải anh làm mất thì giờ mà Thượng đế đã dành cho anh?” Vì vậy tôi vội vàng đi Nhật Bản.
- Chắc chắn đây là điều mà phần đông mọi người ăn năn lúc cuối đời: lúc ấy họ nhìn mọi sự một cách đúng đắn, nhưng than ôi đã muộn mất rồi! Họ nhận thấy rằng đã bỏ phí thời gian và không cố gắng để hoàn thành các công cuộc.

HÃY TỰ LÁI THUYỀN MÌNH
Đang lúc trẻ trung, khi mới vào đời anh chỉ thấy rằng mình là một phần tử giữa nhân quần, anh nghĩ rằng đi theo quần chúng là hoàn hảo giống như chuyện của người đàn bà khi được vị Linh hướng khuyến cáo rằng cuộc sống mà bà đang theo sẽ đưa đến địa ngục. Bà ấy đáp: “Tôi nghĩ kẽ khác chịu được thì tôi cũng chịu được”.
Thật lả một tâm trạng tai hại. Nên nhớ rằng anh là “anh”. Anh phải sống cho chính mình và nếu muốn thành công, muốn được hạnh phúc thì phải tự tìm lấy, không ai làm thế cho anh được.
Khi tôi còn trẻ có một bài hát rất thịnh hành nhan đề là “Tự Chèo Lấy Thuyền Anh”, có điệp khúc như thế này:
“Đừng bao giờ ngồi khoanh tay, khóc than hay chau đôi mày mà hãy tự chèo lấy thuyền anh”.
Đó là lời chỉ giáo hay cho những ai muốn vượt bể đời.
Trong bức vẽ của tôi, anh chèo thuyền một mình, không đi cùng với ai cả. Chỗ khác biệt là một đàng anh nhìn thẳng về phía trước và luôn luôn tiến tới còn đằng khác thì anh ỷ lại vào người ta, không nhìn về hướng anh phải tiến tới và anh có thể đâm vào các tảng đá ngầm rỏi chìm đắm trước khi bừng tỉnh.
Biết bao người vượt đường đời theo cách sau này. Họ còn muốn chờ cho biển lặng, có ngọn gió xuôi hay dòng nước thuận chiều để con thuyền tiến tới êm đềm: như thế khỏe hơn là phải chèo chống, nhưng thật ra cũng tai hại.
Tôi thích người thanh niên nhìn thẳng về phía trước và can đảm lèo lái con thuyền của mình. Có ý nghĩa là tự định hướng cho đời mình.
Tự chèo lấy chiếc thuyền của anh, mà chớ trông cậy vào kẻ khác. Trong cuộc hành trình mạo hiểm, anh xuất phát từ một khe suối của tuổi ấu thơ từ đó anh vượt qua khúc sông của thời trai trẻ; rồi vào trong biển cả của thời kỳ đứng tuổi để cặp bến bờ mà anh mong muốn:
Trên đường anh sẽ gặp những khó khăn, hiểm trở những chỗ cát bồi và nhưng cơn bão táp. Nhưng ví thử không có biến cố nào thì cuộc đời sẽ quá buồn tẻ. Nếu anh chèo lái cẩn thận, đàng hoàng và với lòng can đảm bền bỉ, thì không có lý do gì anh bị thất bại. Dù chỗ khởi hành là một dòng suối nhỏ hẹp cũng không hề gì.
CẦN TỰ TU TIẾN
Hãy nhớ rằng khi vừa ra trường, anh chưa có một giáo dục đầy đủ để nên người. Người ta chỉ bày vẽ cho anh cách học tập.
Nếu muốn thành công, anh phải tự bổ túc lấy nền giáo-dục của mình. Tôi nhắc cho anh biết rằng trong công việc tu luyện này có ba hướng chính:
Khi mới rời nhà trường tôi tưởng đang ở trong một phòng tối; còn giáo dục tôi đã hấp thụ chỉ là một que diêm đang cháy, làm thấy rõ phần mờ ám trong phòng: Nhưng ở đó có cây nến, tôi có thể lấy que diêm thắp nến lên và dùng để hướng dẫn tôi đi qua phòng.
Nhưng đó chỉ là một trong bao phòng khác của đời; phải nhìn vào các phòng kia nghĩa là đời sống của các miền lân cận và của những xứ khác và coi thử người ta cư xử ở đó ra sao.
Anh sẽ nhận thấy rằng, tuy bề ngoài cái phòng hình như tối tăm ảm đạm, nhưng có phương tiện để cho ánh sáng mặt trời vào nhiều hơn và làm cho rộng rãi thêm hơn nếu anh muốn.
Nhưng trong khi làm cho đời anh thành công, anh “sẽ làm một điều quan trọng là chẳng những tự tạo hạnh phúc cho riêng mình, mà anh còn phụng sự xứ sở nữa.
Anh đồng lấy làm lạ rằng một người công dân thường, không có ít chức vị lớn, lại có thể giúp ích xứ sở, đó là hiển nhiên.
Thượng đế đã tạo ra con người để cho họ trở thành những con Người. Vả lại văn minh tân tiến với những đô thị lớn, xe hơi, nước máy cả nóng cả lạnh với đủ thứ tiện nghi vừa tầm của mọi người, có khuynh hướng làm cho con người trở nên nhu nhược yếu đuối, chúng ta muốn tránh điều đó.
Người ta thường nói rằng giáo dục mà con nhà giàu hấp thụ trong trường công lập không giá tri gì. Có chứ: Nhưng giá trị đó không phải ở nơi những bài học trong lớp, mà ở nơi sân vận động và ở ngoài nhà trường.
Ở nơi đó, một thanh niên học tập được những điều mà bạn bè họ mong muốn: thẳng thắn trong khi chơi và tinh thần thể thao chân thật, tính ngay thẳng và ý thức về danh dự.
Người ta rèn luyện chí khí cho thanh niên, trước khi thanh niên được quyền ăn nói, người ta dứt khoát đặt y nào địa vị của y. Nói cách khác, như con gấu con mà người ta phải chải chuốt cho đến khi nào, hình dáng nó coi được. Như thế là tập luyện làm ích lợi cho họ rất nhiều.
Ngày xưa người Spartiates bắt buộc con cái họ chịu nhiều thử thách khó khăn về tinh rắn rỏi và nhẫn nại, trước khi chúng được coi là thành nhân; ngày nay nhiều bộ lạc man rợ còn làm như vậy.
Ở Trung-phi, ở các hải đảo Úc Châu, người ta còn thấy thổ dân áp dụng tục ấy một cách triệt để. Tôi cũng đã thấy người Zoulous người Swazi và người Matabélé thi hành tục ấy; cách huấn luyện của họ là khi một thanh niên gần đến tuổi trưởng thành họ cho nó vào rừng để thử thách. Người ta phết lên toàn thân nó với một thứ sơn khó rữa và đến mấy tuần mới phai được, chỉ cho nó một cây giáo làm khí giới rồi đuổi vào rừng để nó tự mưu sinh.
Nó phải theo dỗi dấu vết của thú rừng, phải rình để săn thú mà ăn và mặc, phải biết cọ xát hai miếng gỗ để lấy lửa, phải ẩn nấp, vì theo tục lệ hễ ai gặp nó khi còn lớp sơn trắng thì họ có thể giết nó.
Tất nhiên, thanh niên nào vượt qua được thử thách: Trở lại làng mạc thì được hoan nghênh nhiệt liệt và được coi như đã trường thành: Người ta trao cho nó quy tắc làm người.
Khổ thay cho phần đông trẻ em ở những xứ văn minh, không được qua những thử thách tương tự như thế. Nếu chúng ta không muốn hạ thấp trình độ dân tộc xuống thành kẻ nghiện thuốc hèn yếu, nhu nhược nếu chúng ta muốn duy trì tính hùng tráng của nòi giống, nhất định cần phải huấn luyện thanh niên của chúng ta theo phương pháp ấy.
Vì thế nên tôi nói rằng: Nếu anh tự lo tu luyện cho thành công như tôi nhắc nhủ trong quyển sách này, chẳng những là một điều hay cho anh, mà cũng là một điều hay cho xứ sở “Con ơi, con sẽ nên Người” và như thế là thêm một “ngườì” cho tổ quốc.
Còn hơn thế nữa, người ta sẽ noi gương con và sẽ trở thành người như con.
TIN TƯỞNG MÀ TIẾN TỚI
Tôi đã sơ lược chỉ cho anh thấy đôi chỗ hiểm trở mà anh sẽ gặp trên đường đời, còn nhiều chỗ khác nữa.
Để cho anh được vững dạ, tôi cho anh biết điều này. Trong đời, nhiều lần tôi đã vấp phải những hiểm trở gớm ghiếc. Nhưng mỗi lần như thế, sau khi tránh được tôi nhận thấy chúng cũng có một khía cạnh hay.
Nhiều phen, tôi đã đứng trước những viễn cảnh ảm đạm; nhưng sau khi xem xét, tôi đã giải quyết mỹ mãn mà không ngờ. Những việc như thế thường xảy đến, cho nên bây giờ tôi lại vui vẻ đón tiếp những viễn cảnh đen tối, vì tôi tin chắc rằng việc gì, lúc đầu hình như khó khăn, sau rồi cũng trôi xuôi hết.
Tôi để trên bàn giấy một bức tượng nhỏ mà tôi tôn kính: Tôi để đó vì bức ảnh nhỏ ấy làm cho tinh thần tôi phấn khởi: Nó kích thích tôi, khi tôi làm một công việc phiền nhọc.
Khi chúng ta là một quốc gia giầu, tiêu những đồng tiền vàng thực chất, nên in hình anh nhỏ ấy ở trên.
Đó là một kỵ sĩ đang đánh với một con rồng hình thù gớm ghiếc: Người ấy là Thánh George.
Tôi có nhiều bức vê của người, vừa xưa vừa cận đại. Tôi thích đặc biệt một bức, không phải vì bức họa đó khéo, nhưng vì trong bức vẽ này người ta trông thấy Thánh George mỉm cười, quả quyết. Người chiến đấu với con ác long và Người quyết thắng. Chính đó là cách đối phó với mọi khó khăn, dù như không thể vượt khỏi.
Vì vậy đừng cam chịu thế thủ và tránh sự tai hại của những nỗi khó khăn, mà đi thẳng vào nơi hiểm trở với ý định quả quyết tranh thủ cho được thắng lợi.
Để tóm tắt phần nhập đề của quyển sách của tôi không gì bằng nhắc lại đây một đoạn trong quyển “Lính Kèn” của R.Blaichford:
“Tôi nói rằng người ta đã tìm được hạnh phúc lâu dài và trọn vẹn trong sự thương yêu và giúp đở kẻ khác. Muốn thương yêu và giúp đở nhân loại thì phải công bằng và đừng ích kỷ. Bao cuộc chiến tranh, bao điều tội ác bao cảnh áp bức, tất cả cái gì đáng ghê tởm, đáng thù ghét và đáng phỉ báng đều do hành động bất công của những kẻ ích kỷ. Tất cả những khoái cảm mà ta thưởng thức được trong nghệ thuật trong thi ca, trong tình giao hữu trong hòa bình và trong tình thương đều là thành quả của những người đã giúp đở và thương yêu đồng loại, của những nhà hiền triết và thi nhân, những họa sĩ những người bạn trung thành, của tình thương của cha mẹ, tình yêu đôi lứa”.
Ý TƯỞNG LƯỢM LẶT
l Cách thành công tốt nhất ở đời, là tự làm lấy điều mà anh khuyên bảo kẻ khác (Điều này cũng giống như một viên đá trong vườn tôi).
(vô danh)
l Điều quan hệ trong đời, không phải chỉ do vị trí hiện tại của chúng ta, mà do phương hướng của ta đang đi
(Holmes)
l Thành công không phải tùy thuộc sự giúp đở bên ngoài, mà còn do lòng tự tin của chúng ta
(A branham Lincoln)
l Nên làm cây đại thụ chứ đừng làm cây cỏ yếu của thế hệ anh.
(Sir Thomas Browne)
l Chúng ta không thể được như chúng ta mong tưởng, mà chúng ta suy tưởng thế nào thì chúng ta là thế ấy.
(Vô Danh)
l Trong thế gian có biết bao nhiêu đồ vật .Chúng ta có thể vui sướng chẳng thua gì các vị đế vương
(R.L.Stevenson)
l Kẻ Sung sướng là kẻ giàu, nhưng chưa chắc kẻ giàu hẳn được sung sướng.
(Tục ngữ Tích Lan)
l Tự mang lấy gánh nặng của anh.
(Tục ngữ Canada)
l Hạnh phúc chưa phải là chỉ có bộ mặt tươi cười, mà là quá tim vui mừng hớn hở; mà là ý thức rằng bộ máy đã làm hoàn hảo công việc do đấy nó dược chế tạo ra
(R.Parlette)
TỰ CHÈO LẤY THUYỀN CỦA ANH
Thật phi lý khi một người chịu làm tên tiểu tốt trong đám đông. Chịu nhờ kẻ khác giải quyết công việc của mình.
Nếu họ đủ gan dạ, họ cố gắng lên,
Và tự chèo lấy chiếc thuyền của mình
Họ không sợ hiểm trở xuất hiện trên đường.
Rượu gái và thững kẻ vô tín ngưởng
Họ tươi vui trong chiếc thuyền của họ.
Điệp khúc
Thương người như thể thương thân
Tình thương bao quát thế gian muôn đời
Tiến lên say hát nhạc Trời,
Khoanh tay sầu khổ phí đời của ta
Dù thuyền gặp buổi phong ba,
Quyết tay chèo chống mới là Tráng sinh.
HIỂM TRỞ THỨ I
NGỰA
Phần tai hại của hiểm trở này là sự đi chơi rong, việc đánh cá ngựa, việc đánh cuộc túc cầu (
bóng tròn) và việc đấu thuyền chuyên nghiệp.
Phần ích lợi là thực-hành thể-thao thực sự, làm công việc ưa thích của mình, và lập kế sinh
nhai.
Thể-thao thật sự và thể-thao giả hiệu
Ưa thích ngựa: lợi và hại
Quyền-thuật là một môn thể thao; đấu quyền chuyên nghiệp chỉ là một cách làm tiền.
Bóng tròn là một trò chơi rất đẹp đối với cầu thủ, nhưng đối với khán giả là một việc dở.
Thể-thao chuyên nghiệp giết chết thể-thao thật sự.
Lối quảng-cáo của báo-chí lại phụ lực vào việc ấy.
Sự tai hại của việc đánh cuộc.
Tự mình tham-dự trò chơi hơn là làm kẻ khán giả tiêu-cực.
Làm sao để tránh những tai hại đó?
Đừng đi chơi rong.
Thực-hành thể thao thật sự, thể-thao thuần túy.
Có công việc ưa thích để làm ( chơi tem, nhiếp ảnh,v.v…)
Tự-lực cánh sinh, đừng cầu may rủi, muốn thế lựa chọn cẩn thận nghề-nghiệp của anh.
Tập gánh vác trách-nhiệm.
Giúp ích cho kẻ khác rồi anh sẽ được vui vẻ như anh mong muốn.
BẠN TÔI, CÁC CON NGỰA
Con Dick thật ra không phải là xấu. Nó là bạn tốt của tôi và tôi đã tập cho nó được nhiều
ngón. Tôi đơn cử một ví-dụ : nó đứng yên một chỗ hằng giờ, nếu khi từ giã nó tôi đã dặn nó
như vậy. Một lần tại biên giới Tây-Bắc Ấn-Độ, ngón đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Một con
ngựa của đội kỵ-binh tôi đã cắn đứt giây buộc trong ban đêm rồi tẩu thoát. Con ngựa đó,
A44, là một con ngựa hay của Liên-đội. Người Đội nhất của đơn-vị thường cỡi nó; được tin
mất ngựa, mọi người đều hoảng hốt, nhất là ông Đại tá.
Tôi liền cỡi con Dick để cố gắng đi tìm.
Suốt đêm trời mưa và tuyết rơi; bởi thế tôi nhận thấy ngay dấu chân của nó và đuổi theo,
khi lội bùn, khi băng tuyết. Tôi đi đến một nơi hoang vu trong rừng, có nhiều đá sỏi, khó
theo dấu nữa.
Sau khi tìm kiếm trong vài giờ, và đi được một quãng dài đến mấy cây số, tôi trông thấy
dấu vết trên sườn núi. Chỗ này đi bộ dễ hơn. Tôi liền nhảy xuống đất và bảo con Dick đợi tôi
ở đó; tôi bắt đầu vượt qua đá và hố cho đến lúc tôi lấy làm sung sướng tìm thấy con ngựa
già A44 đang run lập cập vì lạnh, vì nhiều vết thương rướm máu và khiếp sợ đến gần chết.
Tôi mất nhiếu thì giờ mới dìu nó xuống núi được. Cuối cùng khi chúng tôi đến chân núi thì
con Dick vẫn đứng yên đợi đó. Không bao lâu tôi về đến trại, đắc thắng, dắt con ngựa kia
theo.
Con A44 đáng thương kia, về sau không thể nào phục hồi sức được. Nó không được như xưa
nữa và chết sau một cơn sốt rét. Nhưng ông Đại-tá lấy làm sung-sướng thấy con Dick và tôi
đã tìm được nó đem về. Cơ hội này thành ra rất may mắn cho tôi về sau như thế này:
Dick là con ngựa biểu-diễn của tôi, nghĩa là tuy nó thuộc quyền sỡ-hữu của tôi nhưng tôi chỉ
được phép dùng để biểu-diễn hoặc dạo chơi, ngoài ra tôi không được phép dùng nó vào việc
gì khác. Bỗng nhiên một hôm, khi tôi đang cỡi nó gần trại, tôi chợt thấy một con heo rừng
béo tốt chạy băng đồng. Tôi thích quá liền gọi người bồi Ấn-Độ bảo đưa cho tôi cái giáo, rồi
tôi đuổi theo con heo rừng. Ngựa phi một hồi lâu, tôi đến vừa tầm con heo, tôi cúi mình về
phía trước để đâm thì con Dick dựng lại và cất lên; suýt nữa tôi nhào xuống đất : lý do là vì
thường ngày, ngoài các ngón khác, tôi tập cho nó cách làm dáng là đứng lên trên hai chân
sau, khi tôi kính cẩn nghiêng mình chào. Cho nên khi tôi cúi xuống để đâm con heo rừng,
con Dick tưởng tôi nghiêng mình chào và nó giở trò : đứng dựng lên. Con heo rừng có cơ hội
tẩu thoát trong khi con Dick làm chuyện dại dột như vậy; nhưng con heo lại không dại, nó
tự nhủ : “Đây là dịp tốt để ta giết chúng cả hai”. Vì vậy, nó không chạy trốn, mà quay lại và
xông đến chúng tôi. Khi nó lao mình tới, tôi chuẩn bị đâm nó, như thế tôi phải cúi xuống;
con Dick lại đứng lên như lần trước làm tôi đâm trật và răng nanh con heo rừng đâm khá
sâu vào hai chân sau con Dick, may mà khỏi trúng bụng. Cảnh ấy sắp tái diễn lần thứ hai,
nếu tôi không nhanh trước. Lần này thì con heo rừng phóng tới, tôi thúc mạnh hông con
Dick, nó chồm lên, và khi con heo luồn qua phía dưới, tôi cắm phập ngọn giáo vào lưng con
vật chết ngay.
Nhưng nỗi hãi hùng của tôi là làm thế nào để giải-thích với ông Đại-tá lý-do tại sao mà con
“ngựa biểu diễn” đẹp nhất của tôi lại bị những vết thương như vậy ở chân.
Tôi nói : “Thưa Đại-tá, xin tha lỗi cho tôi, tôi bị một con heo rừng tấn công, nên tôi phải tự
vệ.”
Ông Đại-tá bảo : “ Chuyện đó được lắm, nhưng tại sao anh lại cầm trong tay một cái giáo,
khi anh cỡi con ngựa biểu diễn ấy?À, có phải là con ngựa này đã giúp anh tìm được con A.44
tẩu thoát đó chăng?” _ “Thưa phải.” _ “Này, ông bạn trẻ của tôi ơi, từ rày về sau đừng có
cỡi con ngựa biểu diễn đó đi săn heo rừng nữa nhé.”
Ngựa
Tôi yêu mến ngựa. Tôi treo trên tường trong phòng tôi một bảng danh dự ghi tên những con
ngựa đã cùng tôi làm bạn qua các thời kỳ quá khứ trong đời tôi.
Đối với tôi, chúng là những bạn tốt : ở mặt trận cũng như lúc đi săn, khi chơi mã cầu hoặc
lúc chạy đua.
(Hình trang 43-Nó nhảy vì chuộng thể thao)
Đua ngựa là một môn thể thao rất thích-thú. Người ta ham-mê đến say đắm khi trông thấy
những con ngựa đẹp nhất trong giống ngựa và đã được huấn-luyện kỹ càng, đem hết nănglực
ra để tranh thắng, dưới sự hướng dẫn của những tay chuyên môn trong nghệ-thuật cưỡi
ngựa đua.
Nhưng cứ làm khán giả mãi, người ta hóa chán, cũng như người ta hóa chán khi ăn thịt
nướng hoài, nếu không có muối làm gia-vị.
Rất ít người thật tình ham chuộng đua ngựa mà không đánh cá bằng tiền để cho thêm hồi
hộp. Thành ra, ai đi xem đua ngựa mà không đánh cá là người lập-dị.
Điều vui thích của họ không phải là chỉ ngắm nghía con ngựa mà là do sự may rủi ăn thua.
Lại có đa số những người đánh cá ngựa không cần đến tại sàn đua: họ ngồi yên-tĩnh trong
ghế dựa ở nhà họ, rồi gọi điện-thoại để đánh cuộc.
Như thế, họ hiến mình như những vật chơi mặc cho sự rủi may sai khiến, hoặc họ bị lừa
phỉnh vào một trò chơi tai hại hơn. Họ không làm ích lợi gì cho ai, ngoài bọn bán vé cá
ngựa.
Môn đấu quyền chuyên-nghiệp
biến thành mưu mô làm tiền.
Đua ngựa đã được mệnh danh là môn thể-thao, cũng như quyền-thuật có tính chất đặc biệt
quốc-gia ( Quyền-anh nói về nước Anh). Một cuộc đấu võ đúng ý nghĩa cho ta thấy hình
dáng những người cường tráng, đẹp đẽ, tập-luyện cẩn-thận, trổ tài lanh lẹ, có gan dạ và sức
chịu đựng đến cực điểm, tấn công và tự vệ, theo một lối chơi hết sức thẳng thắn, bình tĩnh.
Riêng tôi, tôi thú thực rằng tôi thích một cuộc đấu quyền giữa các Hướng-đạo-sinh hơn là
một cuộc giao tranh lớn giữa các vô địch tại rạp Albert, được quảng-cáo rầm rộ.
Cuộc đấu trên là ý-chí cố gắng thực sự về thể-thao, vì mến chuộng thể-thao ; còn cuộc đấu
dưới là cuộc đầu cơ đại quy mô.
Ở rạp Albert, mỗi đấu thủ nhận lãnh một số tiền kếch xù : hàng ngàn hàng vạn bạc để biểudiễn
trong vài phút những cú đấm hay, có khi trong đó còn có những cú đấm mưu lừa chước
dối nữa. Trong khi khán-giả phải trả rất đắt để hưởng cái đặc quyền đi xem, rốt cuộc chỉ có
người thầu cuộc đấu thu lợi. Phong trào “ phục-hưng quyền thuật” giả tạo chỉ làm nảy nở số
người trục lợi, để cho họ dễ bỏ tiền của thiên hạ vào túi nhờ lối quảng-cáo rầm rộ.
Nếu cần một ví dụ trong lịch sử, thì trận đấu lớn giữa Dempsey và Carpentier tại Mỹ là một
bằng chứng : cả N vạn người trả hàng N vạn Mỹ kim để xem trong ít phút quang cảnh
chẳng có gì lạ lùng về quyền thuật ; còn người tổ-chức thì thu một số tiền lớn, ngoại trừ N
vạn Mỹ kim trả cho báo chí về việc quảng-cáo.
(Hình trang 45)
Ngày xưa khi tom Spring gặp Jack-Langan để tranh giải vô-địch Anh-quốc vào năm 1824, có
giống như vậy đâu.
Phải đấu với nhau đến bảy mươi bảy hiệp, Langan mới bị hạ.
Đó là thể-thao thực sự chứ không phải là lượm tiền.
Túc cầu là một trò chơi tao nhã, nhưng…
Môn đá bóng và môn đánh bóng (cricket) cũng như môn đấu quyền, xưa kia được coi là
những môn thể-thao đặc biệt chân chánh. Quả thật như thế cho đến khi chúng trở thành trò
chơi chuyên nghiệp.
Là một cầu-thủ lão thành, tôi mến chuộng môn thể-thao đó. Tôi dám chắc là anh cũng vậy.
Chúng ta nhận thấy rằng nó là một trong các trò chơi đẹp nhất trên thế gian. Không gì bằng
để làm cho anh lành mạnh, có gan dạ, biết trọng kỷ luật, có tính khí, và trước hết, để cho
anh một bài học về cách chơi: chơi cho phe mình, không có óc vị-kỷ và không vì danh-dự-
cá-nhân.
Thật là một trò chơi rất tao nhã, nhìn đến say mê: vì thế nó bị sa vào nanh vuốt của kẻ trục
lợi. Bây giờ các hội lợi dụng các sân vận-động, mua chuộc các cầu thủ, nhờ báo chí quảngcáo
để kích thích sự hâm mộ của quần-chúng, để thúc đẩy người ta đi coi cho đông. Một số
lớn thanh-niên dường như bị thu hút trong đám quần-chúng và bằng lòng làm kẻ khán-giả,
chứ không đích thân chơi lấy.
Nhưng chỉ xem suông thì mau chán, nếu không thêm một chút muối để làm gia-vị như tôi
đã nói trong việc đua ngựa: vì thế việc đánh cá trở nên phần hấp dẫn nhấtcủa cuộc đấu cầu.
Anh sẽ thấy những đám đông đứng ngoài hàng rào: họ cần gì vào trong để xem đâu, họ
nghe ngóng tin-tức và sự hơn thua trong việc đánh cuộc là đủ rồi. Một số lớn nữa chả thèm
đến gần vận-động trường, họ chơi túc-cầu bằng cách yên tịnh ngồi ở nhà đánh cuộc.
Đã thế, họ còn tự cho là chơi thể-thao nữa chứ!
Sự tham lợi giết chết
thể thao chân chính
Còn việc chơi bài nữa. Không ai có ý nghĩ rằng chơi bài vì ham thích. Họ chơi bài để đánh
bạc.
Đánh golf cũng thế, nó rất chóng bị hạ xuống thành một cuộc đánh bạc, và trò chơi đánh
phết ( cricket) cũng có những triệu chứng như thế.
“Trò chạy đua và trò đua thuyền chuyên nghiệp không còn nữa, vì các nhà thầu không thu
được lợi mấy.” Nhật-báo “Xe đạp” bình phẩm về việc đánh cuộc có nói: “ Việc đánh cuộc nổi
bật trong các cuộc đua xe đạp ở địa phương. Kết quả hiển nhiên là hành động bất lương ấy
làm hạ giá trị của môn thể thao đó.” Tương lai của thể thao nước ta có triệu chứng đen tối.
Tuy nhiên, nếu người cho việc đánh cuộc và làm khán-giả là đủ vui thích thì tùy ý họ. Họ có
thể vui chơi và giải-trí trong chốc lát, nhưng chắc là họ không tìm được Hạnh-phúc ; chỉ phí
thì giờ và tiền bạc mà thôi.
(Hình trang 47 – Hãy nhảy ra sân mà chơi chứ không có đứng mà nhìn kẻ khác!)
Tôi không biết tại sao, nhưng khi người ta nhúng vào việc ngựa thì sự ngay thẳng, thật thà
không còn có cái giá trị thường lệ của nó nữa. Vậy anh hãy nên đề-phòng, khi đánh cuộc,
hoặc khi mua ngựa.
Tôi nhớ đã mua một con ngựa của một người bán chân thật: ông cho tôi biết đích xác tính
tốt và tính xấu của nó, ông nói đã mua nó bao nhiêu, nuôi dưỡng tập luyện nó trong bao lâu
và bây giờ ông ta lấy một chút ít lời khi bán lại cho tôi.
Ông là một người cỡi ngựa siêu đẳng, nên việc ông tập tành rất có giá trị. Ông chủ đó là
Đại-tá Chrisholme, bị chết khi ông cầm đầu quân xung phong ở Elandslangte. Tôi đã trả tiền
theo giá ông định và khi tôi cỡi con ngựa, tôi nhận thấy rằng nó còn đáng giá nhiều hơn, vì
thế, đến phiên tôi, tôi theo gương ngay thật của ông ấy và gởi thêm cho ông một ngân
phiếu.
Hãy nghe lời khuyên này
Anh có thể nói “thể thao làm cho ta hồi hộp là được rồi, cần gì mà phải chân thành hay
không? Đó là tâm trạng của mọi người. Bản tính con người là ham chơi, anh làm sao cải-hóa
họ được? Vậy anh lo ngại làm chi?”
Tôi biết rằng người ta lấy làm thích thú khi được cuộc, do sự may rủi, hoặc do cách tính
toán. Nhưng riêng tôi, tôi lấy làm ghê tởm nhận thấy rằng môn thể thao chân chánh ngày
xưa, bây giờ bị đồi bại và bị hạ xuống thành một cuộc làm tiền để cho đôi người lợi dụng,
mà làm thiệt hại cho đám thanh-niên. Một cách khéo léo, người ta dùng thanh-niên làm
những tên quân, nhưng người ta lại làm cho thanh-niên lầm tưởng mình là những tay thể-
thao cự phách. Do sự trá hình đó, phần đông thanh-niên đã để cho họ rút tiền mình đến
khánh kiệt. Chính tôi đã trông thấy tấn kịch ấy diễn nhiều lần. Vậy anh cho phép tôi khuyên
anh một lời: nó sẽ tự giúp anh cảnh giác, nếu anh dại dột để cho họ lừa.
(Hình trang 49-Người thắng cuộc…và đầy ví!)
Càng về già, anh tự hiểu rõ có nên chơi lối giải-trí đó không, khi mà biết bao nhiêu điều có
ích lợi đang chờ đợi anh.
Nhiều người làm giàu nhờ tiền đánh cuộc của kẻ khác, đó là bọn thầu và bọn bán vé ;
nhưng tôi chưa thấy ai đánh cuộc mà làm giàu, họ mắc lừa bọn thầu và bọn bán vé.
Bọn này lui về dưỡng già trong cảnh giàu sang với số tiền kếch sù mà chúng gọi một cách
hãnh diện là “ kết quả của công lao chúng” thật ra chúng là những kẻ đã biết lợi dụng một
sự kiện là đa số quần-chúng dại dột.
Việc này làm cho tôi nhớ lại một bài nói chuyện của tôi dưới đầu đề “ Điều mà tất cả đàn bà
đều biết”. Chủ điểm câu chuyện là làm họ biết rằng chín mươi phần trăm quần-chúng là dại
dột, số còn lại dại dột hơn nưã.
Trong các cuộc đua thường cũng thế, công chúng khờ khạo đã để lọt đa số tiền bạc của họ
vào tay bọn đầu cơ, bọn này thường thông đồng với bọn nài ngựa.
Đánh cuộc hại như thế nào?
Đó là câu hỏi tất nhiên anh có thể đặt ra. Thì đây: Trước hết, việc đánh cá là một trò chơi để
lừa phỉnh người đặt cuộc, vì thường thường đánh cuộc là vãi tiền qua cửa sổ, ấy là chưa nói
đến việc đánh cá giống như một nọc độc làm hại cho sinh-lực của môn thể-thao chân chính.
Rất ít người đánh cá mà rốt cuộc thu được lời lãi. Vậy, nếu anh không phải là nhà cự phú thì
trò chơi đó nguy-hiểm.
Thấy một người đánh cá ăn được một món tiền lớn, kẻ làm việc vất vả tất nhiên bị kích thích
và họ cũng muốn thử vận may : tuồng như đó là một cách mới để làm giàu, nhưng thật ra
thì trái lại, đó là cách phá sản mau nhất. Dù thế nào, việc đó cũng sinh ra khuynh-hướng
xấu : lòng tham lam. Kẻ tự nhận là nhà thể-thao muốn hơn thua là vì ham tiền mà họ sẽ rút
nơi người khác. Khi lòng tham xâm nhập vào, thì tính chân thành tiêu tan. Với sự ham muốn
xấu xa lấy tiền của kẻ khác đó, ít khi có được môn thể-thao chân chính.
Nhiều người tưởng đó là cách để làm tiền, họ đặt cuộc nhiều quá số tiền họ có. Rồi khi xảy
ra tội ác trầm trọng : họ phải trộm cắp hoặc biển-thủ tiền bạc của chủ nhà họ hay là của kẻ
khác để trả nợ, có khi họ tự-tử cho thoát nạn.
Những chuyện buồn thảm ấy đã được nhiều lần nêu lên báo nhưng người trẻ tuổi có đếm xỉa
đến đâu.
Đây là bảng thống-kê kết-quả cuộc đánh cá tại Luân-Đôn mà thôi, trong mười hai năm trước
Đại-chiến :
_ Tự tử hoặc toan tự tử 234 vụ
_ Biển thủ và trộm cắp 3.234 vụ
_ Khánh tận 530 vụ
Người ta đã tính rằng hơn năm mươi triệu đồng bảng Anh được luân-chuyển mỗi năm giữa
người bán vé và người đánh cá, và phần lớn số tiền ấy đều vào túi người bán vé.
Sức mạnh của quảng cáo
Một phần báo chí phải chịu trách nhiệm về việc làm bành trướng lối đánh cá tai hại.
Một tờ báo có thể hoặc hướng dẫn đứng đắn dư luận của công chúng, hoặc xu mị thị hiếu
của một hạng quần chúng, thường thường về hướng xấu.
Khốn nạn thay, trong thời gian gần đây nhiều ký giả đã hùa theo quần chúng.
Những tờ báo ra ngày Chủ nhật dung dưỡng ý thức bệnh hoạn của công chúng về việc sát
nhân, lừa đảo, tàn ác, bẩn thỉu; những tờ báo đồng loại ra buổi chiều lại tưng bốc đến cao
độ môn đá bóng chuyên nghiệp, các cuộc đua ngựa, v.v…hình như ngoài các thứ ấy ra,
không còn việc gì khác thật có ích lợi cho xứ sở.
Ông Wickham, nguyên chủ bút tờ báo Times bày tỏ một cách chí lý rằng một tờ báo có tự
do về tài chánh mới có tự do về ngôn luận. Nhưng tiếc thay, muốn đạt tới kết quả đó, nhiều
tờ báo phải nhận tiền của những người tổ chức đấu quyền và của những tài tử màn ảnh ; rồi
họ viết những bài báo làm cho công chúng tán dương những nghệ sĩ thật ra chẳng có biệt
tài gì.
Sự thật là công chúng thường khờ dại. Họ không tự suy nghĩ lấy và không chịu nhận xét hai
mặt của một vấn đề. Nếu không vậy thì sao họ lại đem nạp biết bao nhiêu tiền vào tay
những kẻ bán vé, những người hướng dẫn các hội bóng tròn và những bọn trục lợi trong các
cuộc đấu quyền. Nếu biết tự mình suy nghĩ, họ đã thực hiện thể thao thực sự vì lòng ham
chuộng thể thao, vì thể thao vui thích và lành mạnh.
Tôi thích xem một chuyện hay trên màn ảnh và khi các nghệ sĩ biết diễn tả tình cảm bằng
điệu bộ, cách làm trò của họ cũng tài tình lắm.
Tuy nhiên, nghệ thuật đó không sánh được với nghệ thuật của sân khấu, kịch sĩ đóng trò
tượng trưng nhân vật bằng xương bằng thịt, với lời nói và nước mắt của mình, làm cho vai
trò sống động và có linh hồn. Dù là phim nói, có lời, có nhạc cũng không có thể làm cho
hình ảnh trên màn sống động thật sự được.
Ấy thế mà hàng triệu người biết khuôn mặt đẹp và điệu bộ duyên dáng Molly Mickboord trên
màn bạc và anh hề dễ tức cười là Charlot. Người ta xúm nhau bàn tán khi nào những tài tử
này đến một thành phố, càng gần ngày họ đến chừng nào, các cột báo lại càng sôi nổi. Có
khi nhà nữ tài tử, hoặc chồng, gửi trước lời chào mừng quốc dân. Nơi họ đến, giờ đến, đều
được loan báo khắp nơi một cách rầm rộ đến nỗi công chúng say sưa vì quảng cáo đều đồn
đến nhà ga để đón minh-tinh, chưa bao giờ một kịch sĩ, dẫu tài nghệ đến đâu, được đón tiếp
như thế. Nếu anh hỏi một người trong đám đông ấy tại sao họ làm như vậy, trong nghìn
người, chưa có một người nói được.
Thế mà cũng tại thành phố này, tại nhà ga này, những quân nhân, những thủy thủ, từ nơi
trận mạc trở về, họ đã chiến đấu cho ta, bảo vệ xứ sở của ta, không một ai để ý đến, không
có một tiếng khen tặng họ.
Tôi không chê trách chỗ hảo tâm, thiện chí của quần chúng, mà tôi chê trách chỗ họ để cho
lối quảng cáo của báo chí lừa phỉnh dễ dàng.
Thể thao thật sự
Đọc xong đoạn này, anh ngờ rằng tôi là một người thù địch ghê tởm của thể thao. Trước
đây, các cuộc chọi giữa chó và bò tót bị cấm, nhờ nhiều người đã gởi kiến nghị lên Nội-các
để can thiệp. Về sau, những người phản đối ấy tuyên bố rằng làm như vậy, không phải la
chỉ vì họ thấy sự tàn bạo đối với bò tót, mà còn vì họ lấy làm khó chịu khi thấy có những kẻ
thích xem cảnh tượng ấy.
Này, anh tưởng rằng tôi cũng như vậy ; Không đâu, tôi yêu chuộng thể thao chân chính và
cho đến ngày nay tôi vẫn yêu chuộng thể thao như bất cứ một ai. Thật ra, tôi tưởng rằng tôi
còn ham thể thao hơn nhiều người khác.
Và, hơn mọi môn thể thao, tôi thích được thấy người ta biết dùng thì giờ cho đứng đắn : và
số người ấy càng đông, tôi càng lấy làm sung sướng.
Nhưng có nhiều người dẫn mình vào con đường xấu, họ tưởng là yêu chuộng thể thao, mà
thật ra họ bị những kẻ trục lợi, lấy danh nghĩa thể thao, lừa họ bỏ tiền vào túi của chúng.
_ Tôi chắc rằng nếu tôi liều lĩnh chơi đánh cá, tôi đã thua nhiều tiền theo cách đó rồi. Nhưng
tôi không có tiền và giả sử tôi có tiền đi nữa, tôi lại ít biết toán học để tính cho được thắng
cuộc.
Giả-dĩ “ mèo bị bỏng nước sôi thấy nước lạnh cũng sợ”. Tôi không bao giờ quên rằng lúc
nhỏ, khi còn đi học, tôi đã đánh cá và tôi đã bị thua. Tôi không dám nói tuổi tôi cho anh
biết, khi đó tôi có con ngựa gọi la Pax trong cuộc đua “Giải thưởng của Thành-phố và ngoạiô”.
Tôi đánh cuộc 18 xu và thua trớt hết. Đó là lần cuối cùng mà tôi dự cuộc đua và đánh
cá.
Trái lại, tôi thích các cuộc đua tài tử khi tôi biết các con ngựa của tôi đã tập luyện và đã cỡi
tham dự. Như thế khác hẳn với lối đi xem chạy đua hàng tá những con ngựa lạ hoặc ngồi ở
trong ghế bành ở nhà mà đánh cá. Như thế là hoạt động về thể thao, chứ không phải đầu cơ
về tiền bạc.
Tôi cũng đã chơi túc cầu trong đội bóng ở trường và tôi rất ham thích môn thể thao ấy.
Ngày nay tôi vẫn còn thích xem cuộc đấu giao hữu giữa các tài tử, nhưng khi trông thấy
những đấu thủ chơi vì được trả tiền và nghe thấy số khán giả đông nghịt la ó vì ăn thua tiền
bạc thì sự vui thích của tôi giảm đi nhiều.
Thể thao là gì? Theo ý tôi, là tự mình tham gia hăng hái vào cuộc chơi, chứ không phải chỉ
làm khán giả, hay là bảo ai chơi thế cho mình, hoặc nữa là bỏ tiền vào để giúp ích thể thao.
Như tôi chơi cù ( golf) chẳng hạn, tôi không muốn có đứa bé mang gậy đánh cù cho tôi ; có
lẽ vì tôi không thể trả tiền công cho nó là một số tiền cao trong lúc này, có lẽ tôi nhận thấy
rằng ngôn ngữ của tôi có thể làm cho nó ngạc nhiên, có lẽ tôi sợ nó chê những cú đánh
vụng về của tôi, có lẽ tôi không muốn cho trẻ em làm một công việc cuối cùng, không đưa
chúng đến đâu ; nhưng ý định của tôi là thích chơi lấy một mình. Khi đi săn nai, khi đi câu
cá, tôi cũng làm như vậy. Tôi không cần đến một người giúp việc. Đến việc hớt tóc, tôi cũng
không cần người khác…
Làm sao cho được vui vẻ và
Kiếm tiền một cách ngay thẳng
Anh nói : chỉ trích những người đi xem thể thao thì dễ lắm, nhưng : “Làm gì lúc rảnh, làm
sao kiếm tiền, làm sao chơi cho vui nếu không đến trường đua và sân vận động?”
Thật vậy, vạch một chương trình thích hợp cho mọi tầng lớp thanh niên, hoặc giàu hoặc
nghèo, hoặc có ít phương tiện, ở thành thị hay ở thôn quê, cho mùa Đông hay mùa Hạ, cho
cá nhân hay tập thể, ở trong nhà hay ở ngoài trời, cho ban ngày hay ban đêm, là một thử
thách hơi khó giải quyết.
Anh có thể đề nghị một giải pháp không?
Tôi chắc hẳn là không. Nhưng đây là một lời khuyên nhủ căn cứ trên những nguyên tắc, đại
cương và có thể hữu ích.
Điều bí quyết lớn là lấy câu này làm phương châm : “Đừng đi chơi rong”.
Lênh đênh trên biển lặng thành ra vô vị, nhưng khi có gió và có sóng thì lại khác ; trước mặt
anh luôn luôn có những đợt sóng phải vượt qua cho hết, khi anh lướt qua được rồi, đợt khác
lại tiếp, anh sẽ lấy làm vui thích trông thấy luôn luôn trước mặt một đợt sóng mới, tức là
một công việc mới để thực hiện, một khó khăn mới để khắc phục.
Vậy thì để đáp lại câu hỏi của anh
Làm gì? Tôi khuyên
-Trong lúc rảnh – Thực hành thề thao thật sự và làm
công việc ưa thích
-Cho có tiền -Có một nghề nghiệp thích hợp với
anh và tiết kiệm
-Cho có hạnh phúc -Giúp ích kẻ khác
Thể thao
Theo ý tôi, thể thao thật sự là bất kỳ một cuộc chơi gì, một hoạt động gì lành mạnh mà tự
anh chơi lấy chứ không phải đóng vai khán giả. Tôi biết rằng trong nhiều thành phố, sân
chơi có ít không đủ cho mọi người dùng. Tuy nhiên, ngoài số những người thường chơi, hàng
vạn người khác còn có thể dùng được. Cũng có những chỗ đất khác chưa dùng đến. Tôi có
thể chỉ dẫn nhiều trò chơi thích hợp cho mỗi nơi, nhưng tôi thú thật rằng khó tìm được
những trò chơi thỏa mãn được mọi người.
Về phần anh, điều thiết yếu là anh suy nghĩ để tìm môn thể thao thích hợp với điều kiện và
hoàn cảnh của anh hơn hết. Nhưng nếu anh không thể tự tìm được lấy một mình, tôi sẽ chỉ
bảo cho anh một trò chơi có đủ tất cả những điều kiện trên kia. Trò chơi ấy được trình bày
trong chương cuối cùng của quyển sách này, nói về Tráng-sinh.
Thể Thao thực sự
Leo núi là 1 thể thao thật sự và ai cũng có thể thực hiện được, không tốn phí bao nhiêu.
Anh sẽ nói: Leo núi? Ở nước Anh, muốn leo núi bao nhiêu chẳng được.
Chắc anh có nhiều dịp để thực hiện, và tôi xin chỉ bảo cho anh nên làm thế nào. Trèo 1
ngọn núi cao đến 6 – 7 cây số là 1 thành tích đặc sắc, nhưng bắp thịt anh không phải lúc
nào cũng căng – thẳng: thỉnh thoảnng anh mới gặp lúc khó khăn phải vận dụng toàn lực cả
tay lẫn chân. Nếu sơ suất vào lúc này, thì anh sẽ rơi xuống sáu bảy trăm thước và tan xác.
Trong miền anh ở, chắc cũng có những chổ khó leo, có thể làm cho anh rơi xuống sáu, bảy
chục thước. Leo 1 trái núi nhỏ cũng có thể tìm sự hứng thú tương tự. Cũng phải có chừng ấy
gân sức, dẻo dai, khéo léo và cũng phải có chừng ấy tinh thần đồng đội giữa những người
cùng bám vào 1 chiếc giây.
Nhưng đó là 1 môn thể thao rất nguy hiểm, nếu anh không được tập luyện cẩn thận trước
và nếu không có người lịch duyệt hướng dẫn. Tướng Bruce, chỉ huy cuộc thám hiểm núi
Everest, có nói với tôi về khả năng leo núi của thanh niên nước Anh: “ Điều đáng kể không
phải là leo núi cao, mà còn vượt được nơi hiểm trở”. Tuy nhiên, một điều lạ lùng là ít người
biết và thực hành môn thể thao này. Vì đa số thanh niên không hiểu rằng họ có thể thực
hành môn thể thao đó bất kỳ ở chổ nào trong nước Anh cũng được.
(Hình trang 58)
Nếu không có núi ở gần anh, thường thường anh có thể tìm một cụm đá hoặc một mõm đá
hoặc hầm đá. Nơi đây tập dược rất tốt, nếu một toán ba bốn người thích trèo núi, đem theo
một sợi giây, để cùng nhau luyện tập. Một đôi khi, anh nghe nói, có người chỉ leo núi một
mình, như cuộc du lãm của tôi ở dãy núi Andes, nhưng đó là một điều sai lầm. Anh có thể
thí nghiệm một lần để gây lòng tự tin, Nhưng điều tai hại là khi anh té hay trẹo gân, không
có ai giúp đỡ anh. Cuộc leo núi phải tổ chức thành từng đội, thành đoàn, và giá trị của nó là
ở chổ đó. Mỗi người trong đoàn phải hữu ích để giúp đỡ kẻ khác. Đó là một bài học hay về
thực hành.
Không ai chối cãi được rằng leo núi là một phương tiện tốt hơn hết và thể dục để làm nẩy nở
gân cốt, bắp thịt và sức bền bỉ. Một người leo núi giỏi không bao giờ là một người ủy mị
được: họ là một nhà thể thao cừ khôi.
Vả lại, việc du lãm còn đòi hỏi óc quan sát: tầm mắt sâu rộng để hiểu biết một miền của sứ
sở và tài xoay xở tháo vát.
Một lần, tôi được dịp đi theo đoàn quân sơn chiến của người Ý, trong khi họ thao diễn trên
núi Alpes. Đoàn quân ấy tuyển mộ dân sơn cước, hoàn toàn được tập luyện để chiến đấu
trên núi. Chúng tôi định đoán là phe địch đang ở chỗ triền núi có tuyết phủ, về phía bên kia
một cái khe sâu 600 thước và rộng cũng đến sáu, bảy trăm thước. Các sĩ quan nhận họa đồ
của trận chiến. Rồi họ phân phối ra từng chặn, người này cách người kia, trên một đường
dài, họ ngồi và quan sát triền núi và ngọn núi phía đối diện. Họ dùng viễn kính để nghiên
cứu, mỗi người tìm cho phân đội của mình một con đường riêng biệt để vượt qua và ghi
những cứ điểm để làm nmốc khi trèo núi.
Chọn một con đường riêng và tìm những cái mốc để trèo lên đó là được trông thấy cảnh trí
biến chuyển và là một điều hứng thú vô cùng khi leo núi hay ghềnh đá, và tùy nơi khả năng
quan sát, anh có thể thành công hoặc chỉ làm một kẻ trèo núi tầm thường. Còn có ích lợi về
phương diện đạo đức nữa: tập đối phó với sự khó khăn một cách can đảm, quả quyết và
tươi tỉnh, mặc dù gặp trường hợp nan giải.
Cũng trong tinh thần đó, anh sẽ tập đối phó với những khó khăn ở đời. Cuối cùng anh sẽ
thành công nếu anh kiên chí và dùng đủ phương tiện để thắng sự chướng ngại, hoặc trèo
qua, hoặc đi vòng quanh, tùy theo từng trường hợp.
Sau lại, còn phần linh hồn. Nói đến linh hồn trong việc trèo núi chẳng là quái gỡ lắm sao?
Chẳng có gì là lạ. Anh leo núi với cả đoàn, nhưng khi anh lên đến đỉnh một quả núi đẹp đẽ,
nhìn cảnh vật chung quanh hình như hư ảo, anh nên ngồi riêng một mình mà suy nghĩ,
đồng thời để cho cảm hứng kỳ diệu của quang cảnh đó thấm thía vào người anh.
Khi anh trở về mặt đất, anh cảm thấy có cái gì thay đổi trong người về thể xác, tâm trí và
linh hồn.
Giá trị của các công việc lặt vặt sở thích
Tôi nhận thấy rằng nhiều người, trong nhiều ngành hoạt động hằng ngày, có thói quen tự
mình làm lấy công việc. Đó là một thói quen lành mạnh; khẩu hiệu hằng ngày của họ là: “
Nếu anh muốn xong công việc, nên tự làm lấy”.
Làm việc vặt vãnh trong nhà cũng vui và bổ ích. Nhờ năng làm mà khi đóng đinh, anh khỏi
đập búa vào tay, khi sữa chữa điện trong nhà, anh hiểu tác động của điện lực.
Khi đại chiến xảy đến, chúng tôi không được tiếp tế rau và trái cây, nhiều người trong chúng
tôi phải lập vườn để tự túc. Công việc đó trừ được nạn nghiện rượu, còn hơn là những cải
cách của Nội-các; công việc đó làm cho người ta mạnh khỏe và vui sướng, hơn là những cải
cách về y tế và chính trị. Làm vườn là một tiêu khiển tốt cho mọi người, là một phương
thuốc giải lao thượng hảo hạng cho những người làm việc. Làm vườn là một dịp cho nhiều
người ưa thích thoáng khí và tập cho họ hiểu biết về cách sinh hoạt của thảo mộc, côn
trùng, nghĩa là hiểu biết thiên nhiên.
(Hình trang 61)
Hết thảy trẻ con ưa làm việc bằng tay. Nhiều người về già không còn sở thích đó nữa,
nhưng ai giữ được ý chí đó để biểu dương khả năng và sức sáng tạo của mình, thì họ có
được một tập quán làm cho đời họ khỏi trống rỗng.
Người có công việc ưa thích của mình không bao giờ bỏ mất thời giờ: họ không bao giờ thấy
thì giờ thừa thãi và họ không để cho lối quảng cáo của báo chí lôi cuốn họ dễ dàng vào các
cuộc tiêu khiển khác. Công việc ưa thích là thần hộ mạng của họ
Làm công việc ưa thích và khéo tay đưa lần mình đến chổ tinh xảo, vì một người đem hết ý
nghĩ và khả năng của mình để sáng tạo thì thế nào cũng đi đến chỗ tinh tiến trong công việc
làm. Và khi nào trí tuệ giúp vào việc làm của bàn tay thì sức tưởng tượng và tài kỷ xảo được
phát triển, rồi thường thường người ta bước từ công việc lặt vặt qua địa hạt sáng-chế, phátminh.
Hãy nhìn trong phòng anh, trên bàn giấy, trong xưởng của anh: anh nhận thấy trăm thứ đồ
do sáng kiến của người này hay người khác chế tạo ra. Nếu anh biết làm đồ lặt vặt ưa thích,
anh cũng có thể nghĩ chế ra một đồ dùng chẳng những bán được tiền, mà còn giúp ích cho
người đồng loại.
Cũng có khi, công việc ưa thích, tuy không liên quan với nghề nghiệp hiện tại của mình,
nhưng nó biểu dương được năng khiếu của mình. Và nó mở cho mình một con đường mới;
nếu mấy lâu nay anh là một cái chốt tròn đóng vào một caí lỗ vuông, thì bây giờ anh tìm
được cái lỗ tròn rồi vậy.
Lắm khi với công việc ưa thích, người ta cũng có thể kiếm ra tiền: tôi không chủ trương
kiếm tiền vì lòng tham của, nhưng tôi đồng ý rằng phải cần nhiều tiền để sống và để khỏi
làm phiền kẻ khác.
Trong một cuốn sách cũ nói về săn bắn, nhan đề “ Jorroks”, một nhân vật nổi tiếng “Jogglehury
Crowdy” có tính ưu đi chặt cây dọc theo hàng rào hoặc ở trong rừng để làm gậy. Tôi
cũng có sở thích như vậy (ngoài các sở thích khác). Có lẽ anh cho việc ấy không có gì đáng
ưa thích. Tuy nhiên, khi anh làm thử, anh thấy thú vui đi hết cây số này đến cây số nọ để
tìm cho ra một cây gậy. Nếu không phải là ưa thích, anh sẽ thấy mệt nhọc vô cùng ! Tìm
được một cây gậy, sửa cho ngay thẳng, lau chùi cho sạch se là một điều thích thú rất lớn.
Sở dĩ tôi kể chuyện này là để cho anh thấy một việc tầm thường, ai làm cũng được, cũng có
phần ích lợi của nó.
Có khi kiếm ra tiền nữa. Tôi biết nhiều trẻ em kiếm ra được nhiều tiền một cách rất lương
thiện với phương kế đó.
Người nào, nhờ công việc ưa thích, tìm được năng khiếu chân chính của mình, thường có thể
kiếm được nhiều thuận lợi, khỏi phải kiếm tiền bằng cách đánh cuộc cầu may, anh có thể
theo con đường chắc chắn và vui thú, là làm công việc ưa thích. Và số tiền làm ra do sự cố
gắng của anh có nhiều ý vị hơn là số tiền rứt của kẻ khác.
Ngoài công việc kiếm tiền được, còn biết bao nhiêu công việc anh có thể lựa chọn tùy sở
thích của anh.
Âm nhạc, hội họa, điêu khắc, ca kịch đều là những môn thích hợp với người ở thành thị, và
không có lý do gì để đi chơi rong khi tại đó có phòng triển lãm hội họa, có viện bảo tàng, có
hội hòa nhạc v.v…
Nhưng tôi không khuyên anh chỉ hưởng thụ tất cả thứ đó một cách thụ động: phải tự mình
biểu dương khả năng của mình trong các lãnh vực ấy mới thật là điều đáng kể.
Theo ý tôi, biểu dương khả năng của mình là sáng tác những bài thơ, chơi âm nhạc, làm đồ
đạc bằng gỗ, nặn tượng, vẽ v.v… Sưu tầm con niêm, tiền lệ, cổ sinh vật, đồ xưa, côn trùng
hoặc các thứ hoa cũng là việc có ích.
Phải đi ra ngoài trời, ngoài đồng mới hiểu biết loài chim, cây cối hay thú vật. Anh cũng có
thể nuôi gà vịt, hay trồng cây ăn quả, làm mứt, nuôi thỏ, đóng giày hay là làm thứ gì tùy sở
thích của anh. Trong hàng trămthứ, người ta muốn lựa thứ gì cũng được, và khi anh tìm
được công việc anh thích, sự mệt nhọc của anh sẽ được đền bù, có lẽ không phải vì tiền, mà
vì đời anh sẽ được nhiều lý thú.
Nghề nghiệp thích hợp
Về tiền bạc, phần đông chúng ta cần có một số lợi tứcchắc chắn, được như vậy chúng ta sẽ
sống vui vẻ và giúp đỡ kẻ kháclàm theo như ta.
Vậy thì đừng có xài phí tiền bạc của ta với hy vọng làm giàu thêm bằng cách đánh cuộc để
ăn tiền kẻ khác rủi thua ta, nên dùng thời giờ của chúng ta vào một công việc lương thiện
để kiếm tiền cho chắc chắn. Và muốn được thế, trước hết chúng ta phải tập luyện cho có
một nghề để sống ở đời.
Tôi đã nói rằng tôi không muốn dùng một đứa bé để mang vác đồ đánh quần của tôi, vì tuy
bây giờ công việc ấy cho nó kiếm tiền, nhưng không đảm bảo gì cho nó về tương lai. Khi lớn
lên, bỏ nghề ấy thì nó không có nghề nghiệp gì khác. Rồi vì thế, trong nhiều trường hợp, nó
sẽ trở nên kẻ du đãng.
Này, không phải chỉ có trẻ con lượm banh cho người đánh quần mới đi sai đường từ lúc đầu
như vậy. Nhiều trẻ con hoặc tự ý hoặc cha mẹ xúi giục, ham tìm việc kiếm tiền, mà quên
nghĩ xem công việc ấy có ích lợi gì về tương lai hay không.
Nhiều công việc làm khá tiền, nhưng không đưa đến đâu hết, để đứa trẻ dở dang cho đến
khi lớn tuổi, mà lúc trẻ chính là lúc cần qua giai đoạn tập luyện một nghề nghiệp có nhiều
lợi hơn về tương lai. Còn có một điều sai lầm thông thường này nữa: là mặc dù một thanh
niên đã tìm được một công việc có nhiều hứa hẹn về tương lai, dấn mình vào đấy vì thấy
hình như công việc có phần thích hợp với mình, nhưng quên không tự hỏi xem mình có đủ
tư cách và khả năng thích hợp với công việc ấy không, rồi về sau, hoặc là tự anh ta nhận
thấy, hoặc là do các chủ nhân của anh ta nhận thấy rằng anh ta không thích hợp với nghề
và anh ta phải đi tìm một nghề khác. Chẳng khác nào một cái chốt vuông đóng vào lỗ tròn,
làm sao cho vừa được.
Điều cốt yếu là tìm một công việc thích hợp cho anh hơn hết, và nếu trước đây anh đã lỡ
làm việc gì khác vì cần kiếm tiền ngay thì phải luôn luôn để ý đến hoài bão của anh và
hướng theo nó cho đến khi gặp dịp tốt. Đồng thời cũng phải đề phòng cái ý thức luôn luôn
đứng núi này trông núi nọ.
Nếu anh là một cái chốt vuông, hãy tìm một cái lỗ vuông và cố gắng giữ lấy.
Đánh hơi và theo dấu mà tiến tới, anh đừng băn khoăn về kết qua của cuộc săn. Điều thích
thú là việc theo dõi con thú săn chứ không phải là việc giết được nó. Khi tôi còn trẻ, chưa có
chỗ làm, phương châm của tôi là nhận lấy chỗ nào gặp trước, giữ đó cho đến khi gặp chổ
khác khá hơn. Với con giun anh có thể câu được con tôm, với con tôm anh có thể câu được
con cá. Với con cá anh có thể câu được con rái. Con vật này có tấm da đáng giá. Đó là lời
khuyên của một thương gia tự tạo lập lấy cơ nghiệp của mình. Nếu tấm da đó dùng làm
được áo ấm cho kẻ khác là anh đã thành công đấy. Chẵng những anh đã kiếm ra tiền, mà
còn làm việc có ích cho kẻ khác
Tôi gọi sống một đời vui thích là thế đó.
Nếu anh muốn theo lời khuyên của thương gia trên kia tìm một công việc để kiếm tiền và
chờ đợi dịp tốt, anh có thể xin gia nhập vào sở hàng không, tương đối ít thiệt hại hơn hết, vì
thời gian phục dịch không bao lâu lại được hậu đãi và hứng thú lắm
Nhưng điều lợi hơn hết là công việc đó có tính cách giáo dục, và nếu anh gia nhập vào hàng
không với tinh thần đó, anh sẽ bổ túc giáo dục mà anh đã tiếp nhận ở học đường. Trong thời
gian đó anh tự rèn luyện lấy nhân cách của anhvà do nhân cách đó, anh có thể tạo dễ dàng
một địa vị khi gặp dịp.
Hoặc nếu anh muốn vượt bể đến sống trong các lãnh thổ tự trị, phương sách tốt hơn hết là
xin giúp việc trong nghành cảnh sát ở địa phương đó để cho có lịch duyệt và thêm bạn bè.
Làm như vậy cũng có mục đích giáo dục, kiếm được khá tiền và rèn luyện nhân cách
Tiết kiệm
Từ sau khi đại chiến, có người chỉ trích rằng nước ta đi vào con đường xấu. Thật ra tôi chưa
hiểu tại sao. Tôi nghe ông Hiệu Trưởng “Trường Thành Phố Luân Đôn” nói rằng học sinh
ngày nay có nhiều khí phách hơn học sinh ngày xưa và càng ngày càng khá hơn. Dù sao đó
là một ông Hiệu Trưởng đáng mừng
Chắc chắng là ở thời kỳ này, số người biết tiết kiệm nhiều hơn số người xài phí. Tôi không
biết hai việc đó có liên quan nhau hay không, nhưng đó là chyện thật.
Trong những trang dưới đây, tôi khuyên anh nên biết tự chủ để luyện tập chí khí, và anh
cũng có thể thu được nhiều lợi ích khác, tuy không phải thường xuyên, là có liền. Cố tránh
đừng uống rượu, hoặc hút thuốc, hoặc ăn uống quá độ, đừng tiêu những món tiền quá khả
năng của anh, anh sẽ tiết kiệm được tiền và thật vậy, sau một thời gian lâu, anh sẽ có một
món tiền đáng kể
Không bao giờ tôi đề nghị cho người ta làm điều mà tự tôi chưa làm lấy. Tôi đã có
thời kỳ thực hành tiết kiệm, bay giờ tôi khuyên nhủ lại anh.
Tôi là thứ sáu trong một gia đình mười người con và cha tôi làm mục sư, qua đời khi tôi
mớiba tuổi. Như thế là tôi không được nuôi dưỡng trong cảnh phú túc, và khi tôi nhập ngũ,
tôi phải tự liệu với số lương bé nhỏ của mình.
Tôi phải tranh đấu một phần nào. Nghĩa là loại trừ những việc khác, tôi phải nhịn ăn điểm
tâm, hoặc buổi ăn trưa ở câu lạc bộ, nhịn hút thuốc, uống rượu; ngoài công việc trong quân
đội tôi còn phải vẽ và viết để kiếm thêm tiền.
Tôi làm việc cực nhọc và tôi thích lối tranh đấu như thế. Tôi thường gặp may mắn, nhưng tôi
phải nói thêm rằng tôi đã biết đón nó đúng dịp. Điều mà người ta thường gọi là may mắn,
thật ra là một cơ hội thuận tiện mà mình có khả năng trông thấy trước, nhảy lên và chụp
lấy. Nhiều người đợi cho sự may mắn tìm đến họ, rồi họ than van vì nó không đến.
Một điều lạ là tôi thăng chức mau, quá sự mong ước của tôi. Tham vọng duy nhất của tôi là
tự túc cho được, đừng cần đến sự giúp đỡ của gia đình.
Nếu tôi có thể giúp đỡ gia đình một phần nào càng hay. Và tôi ưa thích công việc tôi làm vì
nó liên quan đến người và ngựa. Tôi lấy làm thỏa mãn.
Nhưng khi được thăng chức, tôi phải tiêu tốn nhiều hơn, mặc dù số lương cao hơn và có
nhiều dự tính về tương lai. Tôi nghĩ như vậy mà chỉ muốn ở chức cũ. Tôi còn nhớ đã có lần
tôi đã hỏi ông Đại Tá có thể từ chối việc thăng trật không, nhưng ông vừa cười vừa cho tôi
biết rằng không thể được, rồi tôi phải “thăng”. Tôi xoay sở để sống, nhưng nhất là nhờ số
tiền tiết kiệm được lúc đầu.
Cách đây vài hôm, tôi tức cười khi lật lại quyển sổ tay ghi chép những cuộc đi dường đầu
tiên của tôi và những cuộc thăm viếng bạn bè, tôi ghi cẩn thận từng đồng xu chi xuất và
mỗi lần thừa được một xu là một lần đắc thắng. Hơn ai hết tôi có thể chứng thật câu ngạn
ngữ này: “Săn sóc từng xu thì anh không lo gì thiếu bạc”.
Như thế chẳng những là ích lợi cho tôi, mà tôi còn lấy kinh nghiệm bản thân khuyên bảo,
dìu dắt một số bạn bè trong đội tôi nữa. Kết qủa là ở câu lạc bộ món tiền lời có phần giảm
bớt, nhưng ở quỹ tiết kiệm số tiền ký quỹ lại tăng lên. Họ mạnh khoẻ hơn, sung sướng hơn,
và khi giải ngũ họ có một ít tiền túi để sống hoặc để kinh doanh.
Anh đang đọc quyển sách này, anh cũng có thể làm như thế. Nếu anh chưa có tiền, anh hãy
cố gắng kiếm cho ra tiền. Ngày mưa gió có thể đến và khi ấy anh sẽ khỏi bám vào kẻ khác.
Anh nên nghĩ đến những ngày đen tối ấy, nhiều người quên lãng đi và cuối cùng họ phải đau
khổ vì điều sơ xuất ấy.
Nếu anh đã làm ra nhiều tiền, không phải là một lý do để xài phí. Hãy giữ số tiền ấy cẩn
thận. Nếu anh cần tiêu, nên tiêu nó vào công việc có ích cho kẻ khác và không nên chi tiêu
vào trò vui riêng của anh.
Anh có thể giàu, nhưng có một điều anh không nên làm, nếu anh là những người tốt: anh
không nên xài phí vô ích , khi xung quanh anh còn có những người thiếu thốn.
Nhưng coi chừng, tôi khuyên anh nên tiết kiệm, tôi không khuyên anh hẹp hòi. Anh có thể
bủn xỉn với bản thân anh, cái đó tuỳ ý, anh có thể tiết kiệm về những món tiêu cho phần
anh, nhưng không nên tiết kiệm về phần tiêu cho kẻ khác.
Về phần tôi, tôi cũng biết hưởng thú vui không kém bạn bè. Tôi chơi mã cầu, săn heo rừng,
săn thú lớn. Nhưng để dùng trong công việc đó, tôi không mua những con vật đắt tiền: tôi
mua những con vật chưa thuần, chưa luyện tập, giá không bao nhiêu, rồi lấy làm vui thích
huấn luyện chúng, có người chỉ mua những con vật đắt tiền, có người làm trái lại. Kẻ thì
mua cái áo mới khi cái áo cũ lấm đôi chút hoặc mòn đôi chỗ, có kẻ lại lộn áo cũ bề trong ra
bề ngoài để mặt, làm như thế họ mặc một cái thành hai. Với phương tiện bé nhỏ anh cũng
có thể sống vui vẻ như kẻ có phương tiện đầy đủ, nếu anh có óc sáng kiến và tính tiết kiệm.
Người có tinh thần thể thao ưa lối sống tranh đấu như thế. Tội nghiệp cho những nhà triệu
phú!
Chộp lấy cơ hội
Một cựu quân nhân trong quân đoàn của tôi, vừa rồi đến tìm tôi và phàn nàn rằng anh đang
ở trong tình trạng vô kế khả thi. Anh nói rằng anh đã bỏ mười năm qúy nhất của đời anh để
phụng sự trung thành tổ quốc, mà bây giờ tổ quốc tri ơn, đối đãi lại với anh cách thế này:
bỏ rơi vào cảnh nan giải, Anh không được huấn luyện về nghề thương mãi, nhưng người anh
của anh vui lòng để cho anh hùn chung vốn nếu anh muốn qua Gia Nã Đại.
Tôi hỏi anh ta đã để giành được bao nhiêu tiền khi còn tại ngũ. Anh mĩm cười chua chát rồi
đáp: “Một quân nhân thường không để dành gì được”. Nhưng kinh nghiệm cho tôi biết rằng
phần đông cựu quân nhân của tôi, khi giải ngũ, có một món tiền để giành kha khá trong quỹ
tiết kiệm. Tôi buộc lòng phải nói với anh ta: “Tại ngũ, anh không phải trả tiền ăn, tiền nhà,
y phục, thuốn men, than củi, đèn nước, ít ra mỗi ngày anh cũng được một si-linh (shilling)
rưỡi để tiêu vặt, tức là hai mươi bảy đồng bảng (livers) trong một năm. Vậy thì trong tám
năm anh có thể dành: hai trăm mười sáu đồng bảng, và nếu tính tiền uống bia, mua thuốc
hút và những món vui chơi lặt vặt, anh cũng còn được hơn trăm đồng bảng, thì trong tám
năm, cộng thêm số tiền lời, anh có thể để dành một trăm năm mươi đồng bảng. Được như
thế bây giờ anh có thể đi Gia-Nã-Đại, không phải là nơi đày ải, mà thật là một xứ phong
phú”.
Nhưng anh ta không phải là người biết chộp cơ hội đúng lúc.Ý nghĩa luân lý của câu chuyện
này là: lo tích trữ cỏ khi trời đang nắng, đừng đợi cơn nắng bữa sau. Trời có thể mù và mưa
có thể đến.
John Graham khuyên con như thế này: Trước khi uống thuốc đừng đem cái muỗng làm trò
chơi. Một việc dễ làm, nếu để triển lại thì thành ra khó, nhưng một việc khó làm, nếu để
triển lại thì thành nan giải.
Lão già Dick, việc gì lão cũng để trễ lại, lần cuối cùng ngươi ta nói chuyện về lão với tôi thì
lão được chín mươi ba tuổi và gần chết. Câu chuyện xảy ra cách đây mười năm rồi. Và tôi
chắc lão chưa chịu chết!
Điều quan hệ là phải tiết kiệm từ lúc đầu, nhất là lúc anh còn trẻ và khoẻ mạnh. Trong bài
nói về tiền công của trẻ con, ông Pound thấy rằng ngày xưa một người thợ ít ra cũng đươọc
thêm lương lần lần cho đến lúc ba mươi tuổi. Bây giờ một thợ trẻ mười tám tuổi đã có số
lương khá rồi, đến độ hai mươi lăm tuổi, họ được số lương cao nhất, rồi từ ba mươi lăm đến
bốn mươi lăm tuổi, khả năng kiếm tiền kém sút mau lẹ. Lúc hai mươi tuổi tiền công của họ
cao hơn của ông cha họ khi trước, nhưng đến lúc sáu mươi tuổi thì lại thua kém hơn nhiều.
Tại sao phải tiết kiệm? Có lẽ một ngày kia, anh muốn cưới vợ: anh sẽ phải xây dựng gia
đình. Nhưng còn có công việc khác nữa mà nhiều người quên nghĩ đến là con. Sinh chúng ra
mà không lấy gì nuôi dưỡng chúng, là một lối chơi đểu.
Gởi tiền vào quỹ tiết kiệm có khó khăn gì đâu. Ông chủ sự ngân khố nhận số tiền để dành
của anh và trao cho anh một quyển sổ để lần lược ghi vào đó số tiền ký quỹ. Số tiền đó có
lời và tăng lên lần lần.
Chứng chỉ
Một hôm, tôi cấp chứng chỉ cho một người cần tìm một chỗ làm khá. Tôi kể vắn tắt tất cả
khả năng của anh a. Khi viết xong tôi đọc lại, tôi nhận thấy thế này: nếu những người đòi
hỏi chứng chỉ để làm một bản kê những đức tính họ muốn đòi hỏi, thì chắc là bản kê của họ
sẽ phù hợp với bản kê của tôi. Vì đó là những đức tính mà phần nhiều các ông chủ đều cần
đến. Anh nên xét lại xem anh đã có những đức tính đó chưa. Nếu chưa, anh phải gắng tập
cho được các đức tính ấy thì tất nhiên anh sẽ tìm được công việc làm khá, bất kỳ về nghành
nào. Tôi kể những đức tính của người ấy như thế này: “Người đủ tư cách, có nhiều nghị lực,
đáng tin cậy, có nhiều kế hoạch, một người biết điều khiển khéo léo, và tính tình vui vẻ dễ
truyền cảm”. Tính tình vui vẻ của anh ta đã xứng đáng với tiền công rồi, vì khi anh ta vào
làm ở chỗ đó, thì công việc đang sút kém mà anh ta đã gây được không khí vui tươi chung
trong sở.
Thật vậy một chứng chỉ như thế có thể đưa anh vào sở nào cũng được. “Đủ tư cách” nghĩa
là thực hiện công việc giỏi và khéo léo. “Có nghị lực” nghĩa là làm việc tích cực và hăng
hái.”Đáng tin cậy” nghĩa là đứng đắn, thành thật: người ta có thể giao phó tiền bạc, công
việc cẩn mật, mà không làm bậy làm sai. Trung thành với chủ với kẻ cộng sự, làm đúng
mực công việc, mặc dù người ta có xem xét đến hay không. “Có kế hoạch” nghĩa là biết tìm
phương pháp thực hiện công việc, dù phải gặp khó khăn đến thế nào. “Một người điều khiển
khéo léo” là nhã nhặn, nhân đạo biết, hướng dẫn công việc mà không thúc đẩy, hối hấp.
Còn tươi cười, vui lòng tiếp nhận mọi việc và truyền cảm sắc thái ấy cho kẻ khác là một điều
kiện làm cho người ta tín phục mình.
Trách nhiệm
Một hôm,lúc tôi còn trẻ trung, ngớ ngẩn vô tư lự, ông Đại tá cho gọi tôi thình lình và cho tôi
biết rằng ông định bổ nhiệm tôi làm đội nhất.
Đội nhất! Tôi hốt hoảng. Người đội nhất phải chịu phần lớn trách nhiệm về cách điều khiển
và lối sống đầy đủ tiện nghi cho Liên đội. Một vinh dự lớn. Nhưng nếu trách nhiệm không
tròn thì sao! Tôi nghĩ không dám nhận trách nhiệm ấy. Nhưng ông Đại tá chỉ nói thêm rằng:
Ông tin rằng tôi sẽ làm tròn nhiệm vụ. Trong chốc lát, người tôi thay đổi hẳn. Tôi không còn
là chành thanh niên phóng túng chỉ ham chơi bời nữa, tôi đã trở thành một người gánh một
trách nhiệm nặng nề.
Một viễn ảnh nghiêm trọg, mới mẻ hiện ra trước mắt tôi. Tôi thấy tôi cần làm những lợi ích
gì cho quân nhân và danh dự của Liên đội tôi. Tôi để hết tâm hồn vào công việc, và không
dám nhìn về dĩ vãng nữa. Lần hội-kiến đó với ông Đại tá, tuy rất ngắn ngủi, nhưng là khởi
điểm của cuộcđời tôi sau này.
Rồi, sau bài học lần đầu tiên đó về trách nhiệm, tôi còn đi xa hơn nữa và nhận lãnh những
trách nhiệm quan trọng hơn.
Anh cần phải biết gánh vác trách nhiệm nếu anh muốn có một địa vị xứng đáng sau này.
Muốn nhận lãnh trách nhiệm, phải có lòng tự tin, am hiểu công việc làm của mình và phải
tập luyện gánh vác trách nhiệm.
Trong Hải-quân người ta nhận thấy điều đo là cần, nên người ta sớm lo luyện tập gánh vác
trách nhiệm. Một chuẩn-úy tập điều khiển một chiếc tàu và đoàn thủy thủ của chiếc tàu ấy,
rồi người ta nhận xét trong công việc làm của anh ta để khen chê.
Trong Hướng-đạo cũng thế, Đội trưởng là người duy nhất chịu trách nhiệm về cách điều
khiển và công việc làm của sáu HĐS, Tráng sinh và các Toán Trưởng cũng thế.
Khi anh đã tập luyện gánh vác trách nhiệm trong một thời gian lâu, anh thấy rằng anh có
đủ tư cách làm người. Tính khí của anh trở nên kiên quyết hơn và anh có thể đảm nhiệm
chức vụ quan trọng trong nghề nghiệp của anh.
Nhờ thế, anh có thể tăng phần ảnh hưởng của anh đối với kẻ khác.
Imhlala Panzi – Người nằm mà bắn
Đây là lời khuyên nhủ hữu íchcủa một người đã áp dụng nó thành công, lời khuyên nhủ này
làcủa Thống chế Fock, một Đại tướng Pháp trong trận Đại chiến.
Ông nói, “Khi anh có một bổn phận để thực hiện, cần nghiên cứu cẩn thận vấn đề”.
Phải hiểu cho đứng đắn người ta bảo anh làm gì hoặc là anh muốn làm gì
Vạch một kế hoạch để đưa công việc đến kết qủa tốt.
Xây dựng kế hoạch cho hợp lý.
Dùng phương tiện sẵn có để thực hiện kế hoạch hết sức chu đáo.
Nhất là phải có nghị lực, một nghị lực bền bỉ, và lòng cả quyết đeo đuổi công việc đến lúc
thành công hoàn toàn.
Thống chế nói rất hữu lý. Riêng phần cá nhân tôi, tôi có thói quen vạch kế hoạch mỗi lần
trước khi thực hiện một công việc, dù là việc tầm thường cũng vậy.
Vì thế, người Zoulous đặt cho tôi biệt hiệu là Imblala-Panzi, nghĩa là “Người nằm mà bắn”.Ý
họ muốn nói là người nhắm rất đúng mực trước khi bắn. Đó là phương tiện để thành công.
Anh nên lấy biệt hiệu ấy làm châm ngôn.
Phải biết mạo hiểm, nếu anh muốn thành công, phải can đảm đối phó với những khó khăn,
không nên tránh trút. Tiếp nhận chúng vì anh hiểu biết anh muốn làm gì.
Một hôm, tôi nói chuyện ấy với một người nữa, hai chúng tôi đang điều tra tình hình của
quân địch tại miền Matabeledand.
Trong đêm, chúng tôi đã lòn qua được tiền đạo của địch và đến lúc mới tảng sáng chúng tôi
ở phiá sau lưng địch.
Chúng tôi rình mò để nghiên cứu tình hình địch quân, bỗng một con sư tử to và đẹp xuất
hiện. Dịp đâu quá tốt và cám dỗ. Chúng tôi vọt xuống ngựa và bắn con sư tử, không nghĩ
đến phần nguy hiểm là tiếng súng có thể phát giác sự hiện diện của chúng tôi. Bị trúng đạn
liệt chân sau, con sư tử lồng lộn gầm thét vang rền. Nó không thể nhảy trốn, nên lại quay
mình rống lên và quay bốn phía tìm chúng tôi.
Chúng tôi không dám bắn nữa, sợ bên địch để ý và cũng sợ làm hư tấm da con thú. Tôi tiến
chỗ lòng sông khô cạn, gần chỗ nằm của con sư tử để cho nó một phát cuối cùng, còn người
bạn tôi thì ở trên bờ, cầm sẵn súng, phòng khi con sư tử tấn công tôi.
Con sư tử thấy tôi đến gần, quay về phía tôi, mồm há hốc, nhăn nanh, mắt hí như phát
khùng. Tôi bắn vào hầu nó chết liền. Rồi, mạo hiểm, chúng tôi thay phiên nhau để canh
chừng và lột da con thú (tấm da lớn khó lột, lại không có bao tay, con dao thì bén, nếu lột
vội vã dễ bị đứt tay lắm). Một người lột da, một người canh phòng cẩn mật, nhìn tứ phía với
cảm giác là có địch tìm kiếm chúng tôi.
Vừa vặn, Lúc chúng tôi lột xong tấm da, địch tìm thấy chúng tôi, chúng tôi chỉ còn đủ thì giơ
cuộn tấm da và phóc lên ngựa tẩu thoát.
Làm sao sửa soạn nghề nghiệp cho mình
Một lần, người ta làm bản kê khai những điều mà một thanh niên phải thực hiện để sửa
soạn nghề nghiệp cho đời mình. Những điểm trọng yếu ghi thành một giản đồ.
Người ta nhờ tôi phê bình: tôi vạch thêm một giản đồ nữa.
Trong giản đồ dưới đây, những đức tính ghi đậm là những đức tính thuộc về chí khí. Chí khí
cũng giúp cho anh thành công trong nghề nghiệp như khả năng hoặc sự khéo léo của anh.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một phần về nghị lực và một phần nữa về tính kiên nhẫn.
Hinh trang 78-79
Người ta có nghị lực,một phần do sức khoẻ dội dào,nhưng nhất là do ý chí ham thích công
việc của mình làm.Có những người hình như không bao giờ ham thích công việc làm của
họ,vì họ chỉ thấy phạm vi hẹp hòi của nó rồi họ cứ luẩn quẩn mãi.Họ nên nhìn xa ra chung
quanh họ để nhận thấy phần đóng góp của họ trong công việc chung của nhân loại;và nhìn
tới trước để nhận thấy ích lợi của công việc mình ngoài phạm vi cơ xưởng hoặc bàn giấy của
nh.Những người thợ giỏi cũng như kẻ vui sống,họ xem công việc làm như một trò
chơi.Chơi khó chừng nào họ càng thích thú chừng ấy.Trong bài nói về hội nghị hoà bình tại
Hoa Thịn Đốn, ôngG. Wells viết:”Tôi nghiệm thấy rằng những người mà người ta gọi là vĩ
nhân,thật ra là những người có tâm hồn trẻ trung như những đứa trẻ,họ làm việc hăng hái
và vui vẻ.Họ ham thích công viêc và xem như là một trò chơi.Tuy có tâm hồn trẻ trung
,nhưng họ vẫn đứng đắn và không hề trốn tránh công việc”
Ralph Parlette nói rất đúng:”Chơi là hamàm việc là có bổn phận thực hiện công việc”
Điều quan hệ là biết làm sao cho mình trở nên phần tử càn thiết .Một hôm người ta hỏi tôi
tại sao khen người hồi Ấn Độ của tôi như thế.Lý do rất giản dị:là vì anh ấy lo cho chủ trước
rồi mới lo cho phần mình sau,mà chưa chắc anh ấy đã lo cho phần anh.Tuyệt đối trung
thành,chắc chắn luôn luôn sẵn sàng làm mọi việc,im lặng,siêng năng:thật là một bảo vật.Vả
lại, ở xứ đó,người có tính khí như vậy chẳng hiếm tuy rằng ở nơi khác người ta cũng có thể
tầm hạng như thế.
Vô tình y đã làm cho y trở nên cần thiết,và tôi có thể nói rằng nếu anh là người cần thiết
của chủ anh,dù sao chủ anh cũng khó lòng rời anh được.
Nếu anh làm gì cũng lanh lẹ,trong khi chơi trong hành động của anh,rồi sự lanh lẹ trở thành
một tập quán,công việc của anh cũng sẽ tiến mau và sẽ có nhiều lợi ích cho anh.
Muốn luyện tập tính ấy,anh bắt đầu tập mặc quần áo cho mau lẹ hàng ngày. Đừng đi rong,
đồ đạc sắp đặt có thứ tự đễ lấy;thử tìm mỗi vật hết bao nhiêu thì giờ,rồi tự phá huỷ kỷ lục
của anh.Còn những điểm khá quan trọng,nhưng người ta chưa chú ý kê vào bảng này là sự
can đảm và tính vui vẻ.Tôi không nói nhiều ở đây;lời của ông B.B Valentine ở cuối chương
này sẽ tóm tắt điều đó.Một phương sách khác nữa,có ích cho tương lai của anh:hy vọng.
Đừng tưởng rằng vì địa vị anh thấp kém lúc đầu mà anh không thể lên địa vị cao được.Biết
bao nhiêu người hiện đang giữ những chức vị cao cả,mà trước kia họ bắt đầu từ bậc thang
thấp nhất.Nhưng tôi đã nói,anh phải tự trèo một mình. Đừng dẫm trong bùn,vì lý do là có kẻ
đã làm như vậy,tìm những mô đá,rồi bước lên để đi ra. Đặt chân vào bực thang thấp nhất
mà trèo lên.
Tôi đã thấy nhiều người khi vào cuộc đời ,họ có đủ điều kiện để thành công, nhưng về sau
họ thả lỏng và thất bại,vì họ thiếu kiên nhẫn;khi gặp điều trở ngại,họ bỏ cuộc và thí nghiệm
qua việc khác và cứ như thế họ bỏ cuộc này vầy cuộc khác,thành ra thói quen rồi suốt đời
chỉ là những cuộc trụt lùi ,không bao giờ họ tiến lên được.
( Hình Trang 82 –Có điều chắc chắn rằng anh làm nên được việc gì chính là nhờ ở sự luyền
từ trước)
Trong phần thứ hai của giản đồ,vấn đề”nên sống thế nào”nghĩa la f làm sao sống vui vẻ
trong hạnh phúc,chớ không phải chỉ hưởng lạc,là một vấn đề quan trộng như vấn đề:nghề
nghiệp;và hai phần giản đồ đều quan trọng nư nhau,là cần phải có lý tưởng cao thượng và
giúp ích kẻ khác.Nhưng theo ý tôi,giúp ích kẻ khác còn quan trọng hơn vì nó bao gồm lý
tưởng cao thượng và nó đưa đến hạnh phúc.
Vì thế tôi sẽ nghiên cứu kĩ lưỡng ván đề ấy trong một chương sau.
LƯƠNG TRI
Khi tính tham lam đi vào ,tính ngay thật đi ra.
Một đồng nắm trong tay bằng hai đồng nắm cá ngựa.
Nếu anh là một cái chốt vuông,tìm một lỗ vuông và gắng tìm cho dược.
Mỗi ván đề có hai mặt như cái áo.Phải dùng cả hai mặt trước khi bỏ cái áo.
Ăn ở thế nào để khi anh chết mọi người đều tiéc ,cả đến người cho thuê đồ làm đám ma
nữa.(Mark Twain)
Nhiều tính xấu sinh ra do minh không muốn để cho chất độc trong mình thoát ra hết.(Bác sĩ
Dawson)
Tự trọng ,tự hiểu mình,tự chủ,ba điều ấy đủ dưa người đến chỗ quyền năng tối
cao.(Tennyson)
GIỮ NỤ CƯỜI
Khi anh đau lắm ,dạ dày như cuộn lại
Bác sĩ đến mổ anh với con dao sắc bén,
Anh nằm trên bàn,bác sĩ kề bên,
Ông ta xoa,bóp nắn anh.
Hãy nghĩ đến kẻ giả chết,họ nằm,
Súng chĩa vào người,chó dữ bao vây,
Họ gọi thự săn và bầy chó bảo rằng :
« Các người không cản được ta cười,
Bây giờ ta để các ngươi giết ta ».
(Lão sư B.B.Valentine)

No comments:

Post a Comment