Sunday, April 6, 2014

Đánh khăng

Ca dao:

Hoài tiền mua thuốc nhuộm răng

Để tiền mua mía đánh khăng vào mồm

Dụng cụ đánh khăng rất đơn giản, bộ khăng chỉ gồm hai thứ là cái và con, có nơi gọi là gà mẹ và gà con. Cái và con là những thanh gỗ hình trụ có kích thước và trọng lượng phù hợp với người chơi. Cái có độ dài vừa phải tùy theo người chơi và thường từ 30cm đến 40cm, đường kính khoảng 2cm đến 3cm.

Con có chiều dài phổ biến trong khoảng từ 1/3 đến 1/2 chiều dài của cái. Dụng cụ đánh khăng thường được làm từ những loại gỗ không quá nhẹ để có thể bay xa nhưng không quá nặng dễ gây nguy hiểm khi chơi. Trẻ em thường kiếm những cành tre đực hay cành cây có đường kính và chiều dài thích hợp và chặt ra làm dụng cụ đánh khăng.

Kỹ thuật đánh

Khấc: là kỹ thuật một tay cầm cái, tay kia đặt con tiếp xúc với cái sau đó buông tay giữ con ra đồng thời dùng cái hất con lên rồi đánh nhẹ cho con nảy trên không với mục đích càng được nhiều lần càng tốt cho đến khi con bị rơi xuống đất. Mỗi lần cái chạm vào con tính là một lần khấc. Trong kỹ thuật khấc có thể dùng cái đánh vào điểm bất kỳ của con hay yêu cầu cao hơn là

chỉ đánh vào đầu mút của nó (nếu đánh theo yêu cầu này thì khi chuẩn bị phải để con theo chiều thẳng đứng, một đầu tiếp xúc với cái).

 (Khấc)

Cầy hay còn gọi là dích (ở miền trung): là kỹ thuật để con nằm ngang trên lò rồi dùng cái đặt xuống dưới con để hất con bay đi.

 (Cầy)

Mắm hay phạt: là kỹ thuật cầm cả cái lẫn con bằng một tay sau đó tung con lên rồi dùng cái đánh con bay đi.

 (Phạt)

Gà: là kỹ thuật khó nhất của đánh khăng, con được đặt nằm dọc theo lò, một đầu (thường là đầu hướng về phía cuối sân), ghếch lên thành lò; người chơi dùng cái gõ vào đầu ghếch lên sao cho con nảy lên; trong khi con chưa chạm đất, dùng cái đánh con bay đi. Nếu dùng gạch, đá… làm lò thì kê con ghếch một đầu lên miếng gạch để thực hiện kỹ thuật này.

 (Gà)

Kỹ thuật cản phá

Khi người đánh thực hiện cú đánh cho con bay đi, những người cản phá sẽ thực hiện kỹ thuật bắt con trong khi con còn đang ở trên không (con chưa chạm đất hoặc đã chạm đất nhưng lại nảy lên). Trường hợp không bắt được con thì người cản phá cũng cố gắng chạm vào con làm cho con không bay được xa.

Luật chơi

Mục tiêu để giành chiến thắng: thực hiện lần lượt các kỹ thuật đánh để giành được càng nhiều điểm càng tốt hoặc đạt số điểm mục tiêu trước đối phương.

Trò chơi này dành cho hai người trở lên, có thể chơi theo thể thức từng người thi đấu vòng tròn tính điểm hoặc chia thành hai đội chơi có số lượng người bằng nhau và tính điểm đồng đội bằng cách cộng điểm của các thành viên. Để xác định người chơi hoặc đội chơi được quyền đánh trước, những người tham gia thường thực hiện kỹ thuật khấc, người chơi có số lần khấc nhiều hơn được quyền đánh trước. Nếu chơi đồng đội thì mỗi đội cử ra một đại diện để khấc. Một cách xác định quyền đánh trước khác là thay vì thực hiện kỹ thuật khấc sẽ thực hiện kỹ thuật mắm, người đánh được con bay xa hơn có quyền đánh trước.

Thể thức ghi điểm: người chơi khi đến lượt sẽ lần lượt thực hiện các kỹ thuật cầy, mắm cho đến gà để ghi điểm tích lũy. Khi đánh cầy hoặc gà, con đặt tại lò còn ở động tác mắm, người chơi cầm con đứng ở sát vạch ngang làm mốc để đánh. Khi một người tìm cách ghi điểm, đối phương sẽ cố gắng cản phá. Những người cản phá đứng ở phía trên vạch ngang làm mốc theo hướng đánh và bao gồm mọi người chơi còn lại nếu chơi theo thể thức cá nhân vòng tròn tính điểm hoặc toàn đội đối phương nếu chơi đồng đội. Điểm của một cú đánh chỉ có thể được tính khi con thoát khỏi sự cản phá và dừng lại trên mặt đất ở phía trên vạch ngang làm mốc theo hướng đánh. Trường hợp bên cản phá bắt được con khi nó chưa chạm đất thì người đánh không được tính điểm cho lần đánh đó và mất lượt chơi. Trường hợp những người cản phá bắt được con khi con đã chạm đất rồi nảy lên thì người bắt được sẽ thực hiện một cú nhảy ba bước về phía lò, điểm tiếp đất sẽ tính là điểm con dừng lại trên mặt đất (đương nhiên nếu điểm tiếp đất vượt quá vạch ngang làm mốc thì con cũng coi như chưa qua vạch). Sau khi đã thực hiện xong kỹ thuật có thể ghi điểm, người đánh đặt cái nằm ngang trên lò. Tại điểm con dừng lại trên mặt đất, một trong những người cản phá sẽ dùng con ném về phía cái sao cho nó bật ra khỏi lò hoặc con dừng lại càng gần lò càng tốt. Nếu cái không bị ném bật ra khỏi lò hoặc con dừng lại cách lò một khoảng dài hơn chiều dài của cái thì cú đánh mới được tính điểm cho người đánh. Trường hợp một trong những người cản phá bắt được con khi nó chưa chạm đất thì điểm lại được tính cho người bắt được.

Cách tính điểm như sau:

Ở động tác cầy và mắm: người đánh dùng cái để đo từ lò đến điểm con dừng trên mặt đất, được bao nhiêu lần thì ghi được bấy nhiêu điểm.

Ở động tác gà: người đánh dùng con để đo từ điểm con dừng lại trên mặt đất về đến lò, được bao nhiêu lần thì ghi được bấy nhiêu điểm.

Nếu trong bất kỳ lần đánh nào, người thực hiện không ghi được điểm thì phải nhường quyền đánh cho người kế tiếp.

No comments:

Post a Comment